bà cô ông mãnh xuất hiện vào đúng giờ này. Đấy là hồn ma của
mấy thanh niên đua xe máy chết hồi năm ngoái ở trước cửa đền
vua Lê Thái Tổ. Những cô hồn này vừa đi vừa khóc than ai oán. Bọn
họ đều là con cái nhà giàu trên chợ Đồng Xuân đang độ tuổi teen.
4 giờ sáng, anh Quyền người vẫn chở thịt bò từ trong Chuông Vác
mang cho các cửa hàng bít –tết có tiếng ở Hà Nội phi xe máy từ
phố Bảo Khánh đi vào. Cậu Quyết, đầu bếp của cửa hàng “ Fast
food- Snack bar- Restaurant” hé cửa nhận hàng. Anh Quyền người
cao lớn, lưng gù trông như con gấu. Cậu Quyết em trai anh ta đứng
cạnh trông chẳng khác gì một đứa bé con.
5 giờ sáng, khoảng trời phía trên Tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm
bắt đầu hưng hửng bừng lên một thứ ánh sáng thật huyền ảo và
rực rỡ. Hàng xôi gà, bún thang ở nhà số 29 bắt đầu lục tục dọn
hàng. Mấy vị khách ở Sài Gòn đi công tác ra Hà Nội vẫn quen ngủ
đêm trong mấy khách sạn dưới phố Cầu Gỗ thường đi bộ đến đây
ăn sáng. Họ coi việc ăn sáng ở phố Hàng Hành là một trong những
“nét đẹp văn hoá” của chuyến đi ra miền Bắc của mình. Khi về
Nam, vị béo ngậy của xôi gà và thanh thanh của bát bún thang Hàng
Hành sẽ làm cho các anh hai, chị hai ngơ ngẩn nhớ đời.
6 giờ sáng, các hàng café bắt đầu lục tục mở cửa dọn hàng. Từ
lúc này tới khoảng nửa đêm, phố Hàng Hành bước vào phiên chợ đô
hội thường ngày của nó. Phù hoa ư? Hay phù phiếm? Phù du ư? Hay
phù thời...
Khuôn mặt tinh thần của phố Hàng Hành thường thường không
có nét gì là sâu sắc cả. Nó không mơ ngủ. Không nồng nhiệt. Nó
không gay cấn. Không sát phạt. Có sự điệu đà, có sự khinh mạn. Có
phởn phơ cùng sĩ diện. Đôi khi có những ưu tư và vô nghĩa lý... Khuôn
mặt tinh thần của phố Hàng Hành thường thường ít khi thay đổi ở
trong một ngày, ở trong một tháng, ở trong một năm... Có thể nhận ra