CHUYỆN TÌNH KỂ TRONG ĐÊM
MƯA
Hồi ở Tây Bắc, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỳ Sinh.
Tôi quen Bạc Kỳ Sinh trong dịp tình cờ. Sự việc như sau:
Hôm ấy, tôi đi chợ Mường La. Chợ Mường La họp ngay bên
đường phố núi. Chợ khá sầm uất, hàng giả thật lẫn lộn. Các cô gái
Thái, gái Xá ngồi bán đào, mận, mắccoọc... hái ra từ trong núi.
Những sạp vải hoa, phích nước, xoong nồi... buôn từ Trung Quốc
sang bày bán la liệt. Những người đàn ông, đàn bà Mông dắt ngựa,
gùi những gùi sa nhân, đẳng sâm, ba kích... gùi cả những gùi nếp tan
là thứ gạo nếp đặc sản có một không hai của họ, mầu hồng hồng
như nhuộm phẩm, rất thơm và dính.
Chợ Mường La họp từ sáng sớm, khi sương mù đang còn dày đặc,
người đi chợ như đi trong mơ, cách một sải tay chẳng nhìn thấy gì.
Sương mù ở vùng núi cao khác với sương mù ở vùng đồng bằng: nó
dày đặc, nó như màn sữa loãng, mênh mông bí ẩn, không hoang
tưởng, không làm hại ai, nó là khí núi tan ra rồi tụ lại; nó không phải
hơi nước, hơi bụi và mưa nhỏ mà ta vẫn gọi là sương ở dưới đồng
bằng.
Khoảng gần trưa, khi sương tan đấy là khi chợ náo nhiệt nhất.
Người Mông xúm xít quanh nồi “thắng cố”, uống rượu, thổi khèn
bè. Người Thái, người Xá cũng uống rượu, thổi khèn bè. Người La Hụ
thổi khèn lá. Các cô gái Thái, gái Xá, gái Dao đứng tụm lại hát đối,
hát ghẹo, hát giao duyên với các chàng trai. Có vài người nổi hứng
bắn lên trời mấy loạt súng kíp, đám đông xung quanh chạy dạt ra
như ong vỡ tổ.