“pháo thủ” không bao giờ còn ra trận được nữa, gã phải “hồi hưu”
khi gã mới hai mươi tuổi. Tôi không muốn như thế, năm ấy tôi
mới hai mươi mốt tuổi đầu, chưa biết tí ti gì về chuyện “phong
hoa tuyết nguyệt”.
Một lúc sau, cô gái ở trong buồng trong bước ra, mặc chiếc áo
“phông” sặc sỡ của tôi và chiếc váy mới. Trông cô rất đẹp, vẻ đẹp
vừa hoang vắng, vừa mê đắm lại vừa man rợ.
Chúng tôi ngồi ăn cơm và cùng trò chuyện với nhau. Bạc Kỳ Sinh
ít nói, đôi mắt của y lạnh lẽo, căng thẳng như mắt diều hâu, thỉnh
thoảng lại sáng rực lên như có tia chớp, tia lửa. Chỉ khi nào ánh mắt
của y gặp ánh mắt của Muôn nó mới dịu đi đôi chút, nó mới có vẻ
như ánh mắt người. Bạc Kỳ Sinh có nụ cười dè dặt, lúc nào cũng có
vẻ như giễu cợt bản thân mình hay giễu cợt ai.
Chúng tôi ngồi nói chuyện về các sản vật ở vùng Tây Bắc, về
phong tục người Thái, về việc người Kinh lên đây làm ăn sinh sống.
Bạc Kỳ Sinh có vẻ không thích thú lắm với việc ngày càng có nhiều
người Kinh lên Tây Bắc “đi xa hơn nữa”, “khai hóa văn minh”,
“thắp lên ánh sáng văn hóa”. Muôn thì khác, cô tỏ ý chê bai lối
sống khép kín, quá gần tự nhiên, thậm chí có phần tăm tối của
dân miền núi. Qua câu chuyện, tôi thấy hai người hiểu biết nhiều
thứ, không hề ngơ ngẩn hoặc quá hẹp hòi như cách thức mà dân
thành thị chúng ta vẫn hình dung về “người dân tộc”.
Cơm nước xong, Bạc Kỳ Sinh dựa lưng vào vách, mắt đăm đăm
nhìn vào đống lửa bập bùng. Ngoài trời đêm mưa vẫn không ngớt.
Bạc Kỳ Sinh hát ê a một bài hát bằng tiếng Thái, lời lẽ rất ấn
tượng. Có nhiều đoạn, cô Muôn cùng hát với y. Tôi nghe loáng
thoáng, cố gắng tìm cách sắp xếp lại lời của bài hát này:
Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi...