Cái Mị cầm bức điện ra đồng để nói với mẹ tôi. Cái Mị cùng tuổi
cái Minh em tôi nhưng cái Mị trắng hơn. Nó hay nói, hay làm nũng.
Cái Mị bảo: “Anh Nhâm ơi, hôm nào anh làm cho em cái lồng lấy
ổ
i”. Lồng lấy ổi làm bằng cây nứa tươi, đầu lồng hơi giống hom
giỏ, có hàm răng mở ra. Tôi bảo: “Em kiếm nứa đi”. Cái Mị bảo: “Em
có rồi. Mai anh làm nhé”. Tôi nhẩm việc, thấy kín hết chỗ từ sớm
đến khuya. Cái Mị bảo: “Mai đấy”. Tôi bảo: “ừ”. Nhà cái Mị có ba
cây ổi, nó trèo ổi gãy cành có lần suýt ngã.
Chú Phụng đọc tờ điện báo nói: “Sao lại bưu cục S.N.N? Thế là
nghĩa lý gì? Bọn ở thành phố nhiều mưu kế lắm”. Mẹ tôi bảo: “Dì
Lưu đã nhờ đi thì Nhâm đi đi. Cái áo mới mẹ để ở hòm, lấy mà mặc”.
Tôi bảo cái Mị: “Em về đi. Anh phải gặt đến trưa, ăn cơm rồi đi
luôn”.
Cái Mị về một mình. Bóng nó cứ ngụp dần trên cánh đồng xa
tít tắp đang gặt nham nhở. Tôi cầm liềm. Quơ một vòng sát chân
rạ. Giật mạnh. Bước sang trái. Quơ liềm. Giật mạnh. Lại bước sang
trái. Lại quơ liềm. Lại giật mạnh. Cứ thế. Cứ thế mãi. Đất trên
mặt ruộng ẩm ướt. Những con châu chấu nhỏ xíu nhảy lách tách.
Đến giữa trưa thì đồng vắng lắm. Nhìn ra chỉ có bốn người
nhà tôi giữa đồng. Mẹ tôi ngồi bên vệ cỏ nhể gai ở chân. Chị Ngữ
đội nón, khăn trùm mặt, quấn xà cạp đến tận mắt cá chân, ngơ
ngẩn nhìn về dãy núi xa phía vòng cung Đông Sơn. Chú Phụng xếp
lúa để gánh về. Chú Phụng hỏi: “Mày về luôn chứ?” Tôi khô khốc
miệng, không nói được, chỉ gật đầu. Hai chú cháu tôi mỗi người một
gánh đi về. Chú Phụng đi trước, tôi đi sau. Gánh lúa rất nặng. Tôi
thấy chân mình run lắm nhưng cố bước. 100 bước. 200 bước.
1000 bước. 2000 bước. Cứ thế. Cứ thế mãi. Rồi cũng đến nhà.
Cái Minh dọn cơm cho tôi ăn rồi vội vàng mang cơm ra đồng
cho mẹ tôi và chị Ngữ.