Quyên bảo: “Mị đến trường. Anh đi đâu cho tôi đi với”.
Chúng tôi đến nhà ông giáo Quỳ.
Chuyện ông giáo Quỳ
Ông giáo Quỳ dạy cấp Một, tính thương người, hay đọc sách từ
nhỏ. Lớn lên, cha mẹ đi hỏi vợ cho, ông giáo Quỳ bảo: “Cô đừng lấy
tôi rồi khổ một đời”. Người kia bảo: “Khổ cũng lấy”. Ông giáo Quỳ
bảo: “Lấy tôi thì đừng sợ nghèo là một, đừng sợ nhục là hai, đừng
ghen tuông là ba, phải trọng liêm sỉ là bốn”. Người kia bảo: “Biết
trọng liêm sỉ thì ba việc trước là thường”. Hai vợ chồng lấy nhau
ăn ở tâm đắc. Ông giáo Quỳ về sau bị đuổi việc vì dạy trẻ con
không chịu dạy theo sách giáo khoa, cứ tục ngữ ca dao mà dạy. Một
lần đi chấm thi ở Hải Phòng, thấy cô gái giang hồ đang bụng
mang dạ chửa không có nơi sinh nở thì đưa về làm vợ hai, vợ cả
cũng chẳng nói gì, còn cấp tiền cho để làm nhà riêng. Biết vợ hai
phong tình, vẫn hay đi lại với nhiều người, ông giáo Quỳ cũng mặc,
chỉ bảo: “Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc
hay lấy lợn vịt thế vào chứ đừng ngủ không”. Cả làng cười, ông
giáo Quỳ cũng mặc. Ông giáo Quỳ hay uống rượu, rượu vào thơ ra,
có nhiều bài nghe cũng được.
Ông giáo Quỳ ở nhà một mình, nằm võng đọc sách. Tôi và Quyên
chào. Ông giáo Quỳ vội nhỏm dậy pha nước. Chúng tôi ngồi ở chõng
tre dưới dàn thiên lý. Ông giáo hỏi Quyên: “Cô học đại học bên Mỹ thì
lợi cho ai?” Quyên bảo: “Lợi cho cháu, cho gia đình, cho đất nước”.
Ông giáo Quỳ cười: “Đừng nghĩ đến lợi, nghĩ đến lợi nhọc mình”.
Chúng tôi ngồi ăn khoai sọ chấm muối vừng. Ông giáo Quỳ
cầm quyển sách nhét xuống chiếu. Quyên bảo: “Bác làm thế nát
mất sách còn gì”. Ông giáo Quỳ cười: “Nát thì thôi. Đọc sách để có tri
thức. Có tri thức để sống đời mình có nghĩa”.