TƯỚNG VỀ HƯU - Trang 97

Đề Thám nói với Bang Kinh:

- Mang con ngựa ô đi theo. Khi về tôi về bằng ngựa.

Bảy giờ tối, Đề Thám đến dinh công sứ Bắc Giang. Các quan

chức và sĩ quan Pháp đi ra đón ông. Họ ngạc nhiên trước người anh
hùng nổi tiếng, người được coi là “đại diện cho tâm hồn An Nam”
trông y hệt một tay địa chủ nông thôn họ vẫn thường gặp: cũng khăn
xếp đen, áo lương, quần trắng, đi giày Gia Định. Đề Thám khác
người là ở thần thái, ở tinh thần tự chủ cao, nhãn quan bao quát
rộng, nếu có kể thêm thì đấy là sự buồn nản thất vọng về phẩm
cách con người nói chung thỉnh thoảng lộ ra ở khóe nhìn vô hồn nơi
ông.

Đề Thám trông thấy đám quan chức người Việt đứng tụm lại

thật hèn hạ. Ông nhận ra nghị Trường, Chánh Trương và cả Xoan, con
gái lão, người đã đính hôn với con trai ông đồ Hoạt.

Tôi sẽ không kể gì về buổi tiếp tân này. Theo sử sách ghi chép

thì người Pháp ở giới thượng lưu thời ấy đều nhẹ dạ, ngông cuồng,
xa hoa; đa phần người Pháp “thực dân” còn lại trong các guồng
máy cai trị cồng kềnh, lại vừa ngu vừa ác. Bầu không khí tinh
thần của thời “thuộc địa nửa phong kiến” ấy đại để như sau: thói
ham tiền hám của trộn lẫn với lòng thèm khát khoái lạc vui chơi,
chế độ nô lệ tàn bạo bày ra trắng trợn ở các hầm mỏ, đồn điền;
đám nha lại người Việt coi thuế là nguồn thu chủ yếu để xây lợp
mái nhà Tổ quốc, có chỗ xây lợp bằng đá thật, có chỗ xây lợp bằng
các tờ báo lá cải và chứng từ kế toán giả mạo, “con rồng tre An
Nam” tìm cách nhảy chồm lên trong tiếng tom chát ở các ổ chứa và
tiếng vỗ tay trong các hội đoàn, thỉnh thoảng lại giật mình co lại bởi
tiếng súng kíp hoặc súng hỏa mai tự chế ngoài biên giới... Việt Nam
đầu thế kỷ XX là một đất nước nghèo nàn, gần như mọi rợ...

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.