cung, liễu hạnh vừa môi nhú mầm xanh, Huyền Tông thư thái nhìn bốn
phía, thong thả phán:
- Cảnh vật như thế này, chẳng thể ngồi yên cho được!
Liền lệnh Dương Quý Phi thổi sáo ngọc, rồi bước ra ngoài hiên, gõ một hồi
trống Yết Thất, theo điệu "Xuân qua hảo", cũng là điệu do Huyền Tông tự
đặt ra vậy. Tiếng trống vừa dứt, nhìn ra trước sân, lá liễu cành hạnh như
vươn dài thêm, mặt rồng hớn hở, cười chỉ cho phi tần trông thấy mà phán:
- Chỉ riêng việc này, trẫm cũng đáng là bậc sáng tạo rồi còn gì!
Mọi người đều quỳ xuống tung hô:
- Vạn tuế!
Lại một hôm, Huyền Tông ngủ ngày ở Ngọc Thanh cung, bỗng thấy mấy
tiên nữ, từ từng không bay xuống, dung mạo cực kỳ xinh đẹp tay đều cầm
nhạc cụ, đến trước Huyền Tông vừa múa vừa cử nhạc. Tiếng nhạc nghe rất
khác thường, trong đó, nổi rõ tiếng sáo Khương lại tuyệt diệu hơn cả. Tiên
nữ thưa:
- Đây chính là những điệu nhạc thần tiên, tên gọi "Tử Vân hồi". Bệ hạ rất
hiểu âm nhạc, xin hãy nhớ cho kỹ.
Huyền Tông tỉnh mộng, tiếng nhạc nghe như còn bên tai, liền lấy ngay sáo
ngọc ra tập, nhớ rất kỹ từng tiết tấu. Sau hai ba ngày, nhân đêm trăng sáng,
Huyền Tông cùng Cao Lực Sĩ thay đổi y phục, ra khỏi cung vi hành tìm thú
vui.
Đi qua mấy phố, lại quay về cầu lớn ngay cạnh tường cung điện đứng ngắm
trăng, bỗng nghe xa xa tiếng sáo vẳng véo von, nghe kỹ ra, thì chính là điệu
"Tử Vân hồi". Huyền Tông kinh ngạc mà rằng:
- Đây chính là điệu nhạc trẫm được truyền trong mộng, rồi tự mình tập
luyện thành thục mấy hôm này, chưa hề dạy cho kẻ khác, làm sao ở bên
ngoài cũng đã có người biết được?
Lệnh ngay Cao Lực Sĩ:
- Ngày mai phải tra cho ra kẻ thổi sáo. Nhưng không được làm y kinh hãi,
rồi dẫn vào gặp trẫm.
Lực Sĩ vâng mệnh, sáng ngày mai đem theo tay chân, tìm đến chỗ thổi sáo