- Không có gì đáng lo đâu anh bạn ạ!
Rồi sai ông từ:
- Vào phòng trong lấy cho ta chiếc chiếu tĩnh tọa ra đây.
Ông từ mang chiếc chiếu nhỏ hình tròn, đặt ngay cạnh Thúc Bảo, Ngụy
Trưng nửa ngồi nửa quỳ cầm tay Thúc Bảo đặt lên đấu gối mình, xem
mạch. Nhận ra thiếu dương kinh bị tổn thương, nội thương ẩm thực, ngoài
cảm phong hàn, chỉ là sự tổn hại bên ngoài, hoàn toàn không có gì trầm
trọng.
Nhưng ở đại điện là nơi đón gió, không thể để người bệnh nằm được, phía
hậu đường cũng không có phòng nào trống, nên Ngụy Trưng sai dìu Thúc
Bảo vào một gian liền với gian để củi, ngay cạnh phía trái đại điện. Tuy
không được sạch sẽ lắm nhưng lại kín gió, giải một ít cỏ khô, đặt chiếc
chiếu tròn lên. Hai chiếc giản quá nặng, không ai mang được, đành để lại
trên điện. Ngụy Trưng mở khăn gói của Thúc Bảo ra thì thấy hai tấm lụa,
một chiếc áo màu tím, một công văn trả về Tế Châu, khoảng hơn mười lạng
bạc, bèn nói với Thúc Bảo:
- Những thứ lặt vặt này, sợ trong lúc ốm đau, anh không trông nom được,
bần đạo sẽ giữ trong phòng, bao giờ lành bệnh, trả anh có được không? Còn
đôi giản, bần đạo sai người lấy dây buộc kỹ lại một chỗ, ngay góc đại điện,
chẳng ai đụng đến làm gì, cũng có thể nhờ nó mà xua bớt tà khí âm phong
đấy!
Thúc Bảo nghe xong, cúi xuống đất lạy. Ngụy Trưng đem hành lý Thúc
Bảo về phòng mình, rồi quay ra Tùng Hạc hiên, bốc một thang thuốc trị
cảm mạo phong hàn, sắc lên cho Thúc Bảo uống, lát sau mồ hôi vã ra đầy
người. Đến ngày hôm sau thì đã nhẹ hơn, nói năng cũng đỡ khó khăn hơn.
Ngụy Trưng vẫn tiếp tục cho Thúc Bảo uống thuốc, lại thường đến bên
chiếu nói chuyện, dần dần cho ăn cháo nóng. Bệnh ngày càng lui.
Chẳng bao lâu, đã mười bốn ngày trôi qua, hôm đó nhằm ngày mười lăm
tháng mười, là lễ "Tam nguyên thọ điển", được làm ngay trong miếu Đông