trung nghĩa, chẳng sợ gì dao búa, mắng giặc chịu chết khiến cho lúc bấy
giờ trở thành kẻ cô thần tử tiết, ai nghe cũng khiến nuốt lệ, đau xót hiện
thành giấy mực, vịnh thành thơ từ, vì người chết mà truyền mãi cho đời
sau. Thế cũng đủ thấy lòng trung nghĩa không chia bần tiện, phú quý, chính
là kẻ hạ tiện thì lại hết lòng trung nghĩa, cảm động đất trời, lòng người vậy!
**
Lại nói chuyện An Lộc Sơn tuy đã tiếm xưng vương vị, chiếm đóng được
nhiều nơi trong nước, kể cả Đông Kinh lẫn Tây Kinh, nhưng trước sau
cũng chỉ là lũ giặc cỏ, chẳng hề có mưu lược sâu xa, lâu dài gì, lòng dạ lúc
nào cũng nhớ tới Phạm Dương đất cũ, thích ở Đông Kinh, không muốn ở
Tây Kinh. Đến khi vào Trường An, lệnh bắt quan hoạn cùng cung nữ, cho
lính tâm phúc giải về Phạm Dương. Rồi lụa gấm, vàng bạc trong các kho,
cùng các báu vật, trần thiết của các cung điện, đều cho áp giải về kho ở
Phạm Dương. Lại hạ lệnh cho lũ Lê Viên tử đệ, cùng là bọn nhạc công của
giáo phường, lâu nay vẫn được triều đình ân sủng, đều phải ra làm phận sự
như cũ, nhược bằng trốn tránh không chịu ra, lập tức bị chém đầu. Cho đến
lũ voi đã thuần, đôi ngựa biết múa trong chuồng của nhà vua Đường, không
được để mất mát, cứ theo như cũ mà luyện tập, sẵn sàng cho Lộc Sơn
thưởng ngoạn.
Nguyên là đời Thiên Bảo, thượng hoàng chú trọng việc thanh sắc, mỗi lần
đại yến, tất có tấu nhạc Thái Thường, gồm hai ban, một ban ngồi, một ban
đứng. Ban ngồi, các nhạc công được ngồi ngay trên nền điện để tiện biểu
diễn. Ban đứng thì các nhạc công phải đứng dưới thềm. Nhạc tấu xong rồi,
tiếp đến trình diễn nhạc Phiên, gồm đánh trống cùng thổi kèn. Về sau các
điệu mới của giáo phường cùng các nơi trong nước thường được gọi tới
ngự lãm. Hoặc có khi còn sai cung nga, y phục thật rực rỡ, đến dưới điện
vừa múa vừa hát. Các đội này đi đâu, đều có xe ngựa, thuyền lầu đưa đón
rất sang trọng khác hẳn thói thường. Mỗi khi thượng hoàng gần say rồi, liền
truyền đội voi của ngự uyển, dẫn những con voi đã được luyện tập thuần