thục vào quỳ ngay dưới thềm vàng, lấy vòi dâng rượu, chúc thọ, những việc
này đã được luyện từ trước rất công phu. Ngoài ra lại còn rèn cho mấy chục
con ngựa biết múa, mỗi khi có lệnh, đội trưởng coi chuồng ngựa, dắt ngựa
vào sân chầu, lũ ngựa nghe nhạc, đều cúi đầu quỳ gối trước, rồi cứ thế mà
nhảy múa, rất khớp với tiết tấu của điệu nhạc.
Nhà nho đời Tống Từ Tiết Hiếu tiên sinh, đã từng làm bài thơ "ngựa múa"
như sau:
Thái bình thiên tử thuở Đường triều
Đàn hát thâu đêm, múa sớm chiều
Điện gấm đỡ êm chân tuấn mã
Màn hoa phủ kín bụng long câu (1)
Chỉ can gõ trống hàng không lệch
Chẳng phải ra roi múa tất đều
Điệu cũ Lê Viên sau diễn lại
Phạm Dương gươm giáo ít hay nhiều?
1 Nguyên văn dùng chữ "Ác Oa", tên một con sông ở tỉnh Cam Túc, phía
bắc Trung Quốc, nơi sản nhiều ngựa tốt.
Thuở ấy yến tiệc của thượng hoàng, Lộc Sơn đều đứng ngay cạnh hầu,
những lời thán phục, ngợi ca đều được nghe tận tai. Khi nảy ý nghịch loạn,
giờ đắc chí, vẫn mong theo lệ cũ mà vui chơi, nào ngờ đâu lũ voi ngựa này
cũng là cơ gây mầm ham muốn dẫn đến chuyện phản tày trời sau này vậy.
Chính là:
Ăn chơi thiên tử thật xa hoa
Khiến kẻ ngoài thèm nhỏ dãi ra
Hợm hĩnh khoe tài, voi ngựa múa
Xa hoa tổ dẫn cướp vào nhà.(1)
1 Theo ý của thành ngữ: "Dã dung hối dâm, mạn tàng hối đạo”. Trau chuốt
làm dáng sinh ra lòng dâm dục, tiền của cất giấu không kín thì giục giã
lòng tham của người ta.