phụ hoàng quá yêu trẻ nhỏ, mai đây liệu có chuyện gì thay đổi ngôi thái tử
chăng? Nên phải được kế lâu dài của tiên sinh thì mới không lo gì nữa. Xin
tiên sinh chỉ giáo cho!
Trang Nghiêm vờ buồn bã thở dài:
- Xưa nay vẫn nói yêu mẹ thì bồng con nhỏ. Chúa thượng đã yêu Đoàn Thị,
thì lẽ tự nhiên là yêu con Đoàn Thị sinh ra, mai kia chuyện phế lập cũng là
chuyện tất xảy ra vậy. Xin điện hạ hãy thôi đừng nghĩ đến chuyện nối ngôi
cao. Nhưng dẫu có thế đi chăng nữa, sợ rồi tính mạng cũng chẳng giữ
được!
Khánh Tự ngạc nhiên hỏi:
- Ta không có tội gì thì sao lại đến nỗi thế!
Trang Nghiêm đáp:
- Điện hạ chưa bao giờ đọc sách, nên không biết những chuyện ngày xưa;
đã lập một con thì phải phế một con, đứa con bị phế, có mấy khi mà lại giữ
được tính mạng. Sao khỏi chuyện đố kỵ, chuyện hiềm nghi, thế không thể
không trừ thì mới yên được, cần gì phải có tội hay không kia chứ!
Khánh Tự nghe thấy thế rất kinh hoàng:
- Nếu đã như vậy thì làm thế nào bây giờ để giữ được tính mạng?
Trang Nghiêm đáp:
- Trong quan hệ giữa cha với con chỉ có hai cách: một là vâng theo, hai là
phản nghịch mà thôi.
Khánh Tự hỏi tiếp:
- Không thể nào trốn tránh được thì sao?
Trang Nghiêm đáp:
- Người xưa nói rằng: "Đánh roi nhỏ thì gắng mà chịu, đánh gậy lớn thì
phải chạy". Điều này chẳng qua là để nói chuyện trong gia thuộc mà thôi,
cha mẹ dạy con, đương lúc giận dữ, lấy gậy lớn mà trách phạt, sợ có thể
thương tổn, sợ rồi cha mẹ sẽ đau thương, hối hận, nên tránh nhanh cái họa
mang tiếng xấu cho cha mẹ, nếu không tạm thời trốn tránh, vậy nên mới
nói: "Đại trượng tắc tẩu" vậy. Nay vừa là cha vừa là bậc thiên tử chí tôn,
mà lại nhẫn tâm giết cả con, chỉ cần nói một lời, viết vài chữ, công việc
xong xuôi ngay, có chạy đường nào cũng chẳng kịp, cũng chẳng có chỗ nào