vừa khi triều đình sai Trương Hạo ra trấn thủ Lâm Hoài, đổi Tiến Minh đi
nơi khác. Họ Trương bèn dẫn quân đánh lấy lại Thư Dương. Đang đánh
nhau to, thì bốn bề mây đen kéo đến, gió lạnh buốt đập vào mặt Tử Kỳ.
Tiếng thần gào quỷ khóc vang dội, từ trên không âm binh kéo xuống, quân
Tử Kỳ hoảng sợ, rối loạn bỏ chạy.
Đúng là:
Thân chết làm ma thề phá giặc
Tôi trung hồn phách mãi còn thiêng.
Tử Kỳ thua to, bỏ Thư Dương chạy về Trần Lưu. Ai ngờ trăm họ Trần Lưu
lâu nay vần căm hờn quân nghịch tàn ác, thương tiếc những kẻ trung lương
bị sát hại bèn rủ nhau nổi dậy, chém ngay Tử Kỳ, mở cửa thành đón quân
triều đình.
Trương Hạo vỗ về dân chúng, chia binh đóng giữ các nơi, kể tên những bề
tôi tử nạn ở Thư Dương dâng biểu tấu lên. Thượng Hoàng xuống chiếu
truyền Túc Tông khen thưởng cho những người tuẫn tiết này.
Thượng hoàng từ ngày vào Thục, vắng hình bóng Dương Quý Phi, lòng
luôn tưởng nhớ. Bọn Lê Viên tử đệ thì quá nửa thất lạc, hầu cận cũ còn lại
rất ít, nên lúc nào cũng rầu rĩ. May có Cao Lực Sĩ ngày đêm ở bên hết cách
khuyên giải. Bỗng được tin An Lộc Sơn thiêu hủy tôn miếu, giết hại hoàng
tộc, tàn sát bách tính, thượng hoàng đấm ngực, dậm chân, vô cùng đau đớn.
Tiếp đó là tin Lộc Sơn bị giết, thượng hoàng ân hận:
- Trẫm tiếc rằng không tự tay băm vằm thằng giặc này được nữa.
Nhân nhớ tới quan tể tướng đã mất là Trương Cửu Linh, người xưa kia đã
từng quyết đoán Lộc Sơn rành rành có tướng phản nghịch, không nên để
sống, giờ mới thấy là lời sáng suốt, nếu biết nghe theo thì sao đến nỗi gặp
vạ này. Bèn sai thái giám đưa lễ vật đến Khúc Giang, kèm một bài văn tế
do thượng hoàng thân soạn ra, để đọc trước mộ.