- Thúc Bảo vô đạo, tàn hại sinh dân, nếu đem quân xuống nam, khác nào
lấy núi Thái mà chặn quả trứng, quân ta một lần kéo xuống, Thúc Bảo tất bị
diệt. Nếu Đông cung ngại không thể vì phụ hoàng mà lập công, con xin
nguyện dẫn binh hỏi tội, bắt trói hôn quân tàn bạo, thống nhất chín châu.
Chinh phạt xưa nay vốn là chuyện một đao một thương, sự nghiệp được
thua chưa quyết, Tấn Vương vốn bậc nhân vương của nhà Tùy, tước cao
lộc trọng, sao không hưởng cảnh nhàn nhã, lại tự chọn lấy việc nặng nhọc
nguy hiểm ấy. Chính vì Tấn Vương chỉ là con thứ của vua Tùy, cùng với
thái tử Dũng đều là do Độc Cô hoàng hậu sinh. Khi sinh Tấn Vương, trong
lúc mơ màng, hoàng hậu thấy ánh sáng đỏ đầy nhà, bụng nghe như tiếng
sấm, một con rồng vàng từ trong người bay ra, lúc đầu còn nhỏ, càng về
sau càng lớn dần, bay thẳng lưng chừng trời, cao khoảng mười dặm, nhe
nanh múa vuốt, uốn lượn mãi không thôi. Giữa lúc vờn cao rỡn thấp đẹp
mắt như thế, bỗng một trận cuồng phong nổi đậy, rồng vàng không hiểu vì
sao rơi ngay xuống đất, đuôi lớn quằn quại cuốn thành một vòng, nhìn kỹ
lại thì không còn là rồng vàng mà là một con chuột lớn như một con bò vậy,
hoàng hậu hoảng hết tỉnh giấc mà sinh Tấn Vương. Vua Tùy nghe tâu
hoàng hậu mơ thấy rồng vàng uốn lượn trên không như thế, nên đặt tên lúc
nhỏ cho Tấn Vương là A Ma (1). Độc Cô vui mừng nói:
- Tên đứa bé thế là tốt lắm. Sao bệ hạ không ban luôn cho một tên chính
nữa?
Vua Tùy phán:
- Làm vua cần phải anh minh, sáng suốt. Đặt là Dương Anh liệu có nên
chăng?
Nghĩ ngợi một lát, vua Tùy tiếp:
- Vua đảm đương việc sáng nghiệp mới cần sự anh minh. Kẻ nối nghiệp lại
cần sự khoan dung, rộng rãi. Chi bằng lấy tên Dương Quảng.
Đúng là: