Chỉ sợ Tần quý khách còn phải đi thăm bạn bè, hoặc mua sắm ít sản vật địa
phương thì mới phải tính toán, còn việc công đường thì chẳng có gì đáng
ngại.
Thúc Bảo nghe xong những lời dài dòng rồi đi ăn chiều, sau đó đóng cửa
ngủ kỹ.
Sáng hôm sau, Thúc Bảo dậy rất sớm, rửa mặt, thay quần áo, chuẩn bị đầy
đủ, vào phủ đường nạp công văn có gắn niêm phong cho Sái thái thú, giải
phạm nhân vào. Thái thú sai mở công văn xem xong, truyền mở công khóa,
hẹn Thúc Bảo ngày mai vào lĩnh công văn trở về. Rồi giao hai phạm nhân
xuống nhà ngục thu nhận, Thúc Bảo mới xách gông khóa về quán trọ, ăn
cơm trưa, ra phố xem chợ búa, chùa chiền, trời vừa kịp tối, thế là hết ngày
hôm đó. Ngày mười bảy vậy.
Sáng ngày mười tám, Thúc Bảo vào phủ lĩnh công văn, lúc này mặt trời đã
cao bằng ba cây sào, vào khoảng giờ tỵ*, cổng phủ vẫn chưa mở, người ra
vào vẫn chẳng thấy một ai, các dãy nhà cửa, công đường vẫn lặng như tờ.
Gần cổng rất nhiều quán rượu lớn hôm qua còn thấy đông đúc huyên náo,
hôm nay cũng thấy đóng cửa, ngay cả cánh cửa treo ở cổng phụ cũng chẳng
thèm kéo lên. Có một quán rượu, cửa nửa đóng nửa mở, Thúc Bảo bước
vào thấy cạnh quầy, mấy gã thanh niên đang cười đùa, Thúc Bảo chắp tay
hỏi:
- Chào các bạn trẻ, sao đến giờ mà vẫn chưa thấy Sái thái thú ra công
đường các bạn?
* Giờ tỵ: Khoảng từ 9 giờ đến 11 giở sáng, theo cách tính thời gian của
Trung Quốc.
Một thanh niên trong đám đông hỏi:
- Ông anh hình như nói không phải tiếng vùng Lộ Châu chúng em.
Thúc Bảo đáp:
- Tiểu đệ vốn là công sai của Sơn Đông.
Thanh niên kia tiếp:
- Ông anh không biết Sái thái thú có việc đã đi rồi sao!
Thúc Bảo hỏi:
- Đi đâu kia?