giữa hai bàn chân của cô gái da sáng. Eguchi cảm thấy sức mình tiêu tan
đâu mất khi nhận ra cái tình thế kỳ cục buồn cười. Ông mò mẫm tìm viên
thuốc ngủ. Bị kẹp cứng giữa hai cô gái, ông xoay người một cách khó khăn.
Đặt lòng bàn tay mở lên trán cô gái da sáng, ông nhìn hai viên thuốc quen
thuộc.
“Đêm nay ta cóc cần uống gì hết, thế có được không?” Ông lẩm bẩm.
Rõ ràng thuốc này thuộc loại mạnh và ông sẽ rơi tuột vào giấc ngủ dễ
dàng. Tự nhiên lần đầu tiên Eguchi cảm thấy mối nghi ngờ: không biết tất
cả các lão già khác tới đây có ngoan ngoãn nuốt thuốc ngủ không? Và nếu
họ thấy tiếc rẻ những giờ phút mất đi vì ngủ nên không đụng đến các viên
thuốc, phải chăng nỗi ghê sợ tuổi già càng có dịp tăng thêm? Về phần ông,
Eguchi tin mình chưa đến nỗi lụm khụm như họ. Và một lần nữa, uống ực
hai viên thuốc. Ông nhớ lại có lần tỏ ý muốn dùng cùng loại thuốc mà
người ta thiếp ngủ các cô gái. Mụ đàn bà từ chối, bảo rằng quá nguy hiểm
cho các cụ già. Đủ để ông im miệng.
Có phải chết trong khi ngủ là “nguy hiểm” không? Eguchi chỉ là một ông
già có hoàn cảnh bình thường, không hơn không kém; là người như mọi
người, đôi khi ông rơi vào nỗi trống trải cô đơn hay niềm tuyệt vọng lạnh
lẽo. Và ngôi nhà này phải chăng là một nơi chốn tuyệt vời để chết đi
không? Chết mà gợi trí tò mò của người đời, mà tạo cho họ cơ hội để khinh
thị, chê bai, có phải là một cách chấm dứt cuộc sống trong cái đẹp không?
Tất cả đám người quen biết sẽ bật ngửa ngạc nhiên. Thật khó mà tính trước
gia đình ông sẽ bị tổn thương tới mức nào; nhưng chết trong giấc ngủ, giả
dụ như đêm nay nằm giữa hai cô gái trẻ, có phải là ước nguyện tột cùng của
một người đàn ông trong những năm tháng gần đất xa trời không? Không,
chuyện đâu đơn giản thế. Như lão Fukura trước đó, xác ông sẽ được chở
đến một quán trọ thảm hại ở vùng suối nước nóng và tin tức loan ra cho
mọi người biết là ông đã tự tử ở đó bằng cách uống quá nhiều thuốc ngủ.
Và không có lá thư tuyệt mạng nào giải thích lý do, người ta sẽ cho rằng