Với Kawabata, độc giả lạc đến một vùng đất lạ, đầy những nét cá biệt
còn nguyên chất cốt Nhật Bản. Riêng chúng ta, người đọc - không phải là
người Nhật - bước vào tác phẩm của Kawabata như vào một hành tinh chưa
từng thăm viếng bao giờ.
Fujimori Bunkichi, trong bài giới thiệu tuyển tập Kawabata, cho rằng
nền văn học Nhật chưa thực sự được biết đến tại Pháp. Tuy nhiên nỗ lực
dịch thuật của Pháp trong những năm gần đây thật đáng khâm phục. Không
nói đến những tác giả Nhật khác, chỉ riêng Kawabata không thôi, được coi
là nhà văn hiện đại lớn nhất của Nhật và cũng khó dịch nhất trong các tác
giả Nhật Bản, Pháp đã dịch gần trọn bộ tác phẩm của ông. Riêng nhà Albin
Michel, với tuyển tập 1623 trang, in các tác phẩm chọn lọc của Kawabata,
kèm phần phụ lục từ điển những chữ mà Kawabata sử dụng trong tác phẩm.
Một điểm đáng chú ý nữa, nếu đọc cùng một truyện của Kawabata qua
những bản dịch Pháp văn khác nhau, dù cách hành văn của các dịch giả có
khác, một vài chỗ, có thể có chênh lệch hoặc sai lầm trong phán đoán của
dịch giả, nhưng người đọc vẫn tìm thấy sự nhất quán toàn bộ trong ý nghĩa,
hình ảnh, và không khí truyện của tác giả.
Vấn đề của chúng tôi là giới thiệu tác phẩm Kawabata qua những bản
dịch, điều mà người làm công việc phê bình nên tránh, bởi ai cũng biết, khi
dịch, nhất là với loại bút pháp cô đọng và đầy chất thơ như văn Kawabata,
người dịch dù tài năng đến mấy cũng khó mà lột hết cái hay của bản gốc.
Không kể khi giới thiệu một đoạn văn, lại phải dịch lại một lần nữa sang
tiếng Việt tức là hai lần đi xa chính gốc. Biết vậy, nhưng không có cách nào
khác, chúng tôi đành giới thiệu Kawabata trong điều kiện như thế, và rất
mong được bạn đọc sành tiếng Nhật, vui lòng chỉ bảo cho những thiếu sót,
sai lầm.
Truyện trong lòng bàn tay
Trong khoảng thời gian từ 1921 đến 1964, Kawabata viết khoảng 175
truyện ngắn đã in rải rác trên báo, nhưng ông chỉ giữ lại 120 truyện trong
bộ Kawabata toàn tập (in tại Nhật Bản). Anne Bayard-Sakai và Cécile