Từ Murasaki đến Kawabata, trải dài 10 thế kỷ, chúng ta lại tìm thấy tâm
hồn Nhật Bản trong Kawabata.
Cảm tưởng đầu tiên khi đọc Kawabata, là niềm tự hào thầm kín của ông
về văn hóa Nhật. Một niềm tự hào không phô trương như khẩu hiệu, không
chai cứng trong trạng thái đông đặc bất biến mà tỏa rộng như thứ hương
thầm kín bao trùm không khí văn chương nhưng bất định chưa thành
hương. Thấm nhuần sâu đậm tư tưởng Tây phương, nhưng Kawabata
không hề đem, không hề dùng hành lý Tây học làm mẫu mực xây dựng
nghệ thuật tư tưởng của mình. Sau những say mê "đổi mới" theo nhịp
phương Tây thời đầu khi mới bước vào sáng tác, Kawabata trở về nguồn
cội, tìm đến người mẹ của tiểu thuyết, và ông đã gặp lại tâm hồn Nhật Bản.
Tâm hồn ấy xuất hiện từ tác phẩm đầu tiên viết năm 1916 (Cốt),
Kawabata khởi hành từ mạch sống li ti chảy trong dòng máu cam của mình,
của người con trai 16, mạch sống ấy lẩn trong linh hồn ông nội theo khói
thiêu bay lên không trung, trụ lại trong đốt xương yết hầu của người quá cố,
trong "ông Phật" của cụ... Đó là tâm hồn Nhật Bản. Từ dòng máu, từ thân
xác, tâm hồn Nhật Bản ấy chảy vào đời sống, qua những long mạch, xuyên
qua nghệ thuật gheisha trong Xứ Tuyết, theo những bước tàn tạ, phá sản
của trà đạo trong Ngàn cánh hạc, tản mạn những mất mát vụn rã của đời
người trong Tiếng núi, và cháy tan những đam mê muộn màng, tàn úa trong
Người đẹp ngủ... Mỗi tinh cầu là một cõi riêng chứa đựng tâm hồn Nhật
Bản.
Người Việt đọc Kawabata, không giống người Tây phương, ở những
điểm chúng ta thấy tương đồng, người Âu cho là dị biệt. Qua ngòi bút
Kawabata, chúng ta gặp lại Đạm Tiên, Thúy Kiều, Mỵ Nương, Trương
Chi... như những hẹn hò của những kẻ cùng chung quá khứ. Chúng ta dễ
phân biệt chất liệu nào Á, chất liệu nào nhập từ Âu.
Đọc những "truyện trong lòng bàn tay", Kawabata viết suốt dọc chiều dài
của đời mình, chúng ta gặp lại hành trình tư tưởng phương Đông, trong một
kỹ thuật viết tĩnh, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Một niềm tự hào