Mĩ học của đá
Trong ngôi vườn cảnh Nhật, đá là yếu tố đóng vai trò dị thường hơn cả.
Đá mang một ý nghĩa nghệ thuật, tượng trưng và triết học kì lạ. Từ xưa đến
nay người Nhật bao giờ cũng có thái độ trân trọng đối với đá, coi chúng
như những vật thể sống có ngôn ngữ riêng. Khi ngắm một tảng đá, người
Nhật có một cảm xúc giống như cảm xúc của người phương Tây khi chiêm
ngưõng các công trình tuyệt tác của con người.
Trong lần đến thăm Higasikuni, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng
của Nhật, tại nhà riêng của ông, tôi để ý đến một hòn đá có màu sắc và hình
thù rất đặc dị. Phiến đá lớn màu tím đỏ đặt trong vườn nổi bật trên nền
xanh của cây cỏ nhiệt đới.
- Một sưu vật thật độc đáo! - Tôi buột miệng thốt lên trong lúc đang ngồi
xếp bằng trên chiếu cạnh khung cửa sổ mở rộng, nhìn ra ngôi vườn đá.
- Vâng, có thể nói số phận của hòn đá này gắn liền với số phận của tôi.
Từ lần đầu tiên gặp nhau đến nay, chưa bao giờ chúng tôi xa nhau. Sự hiện
diện của hòn đá bao giờ cũng gợi cho tôi một tâm trạng đặc biệt. Cứ theo
con mắt tôi, thì chỉ có tạo hóa mới đẻ ra được một tác phẩm có hình dáng kì
thú và gam màu độc đáo đến thế! - Higasakuni nói với tôi không giấu vẻ
hãnh diện.
Cái tư tưởng chơi đá trong vườn bắt nguồn từ thế kỷ VII-VIII, khi nghệ
thuật vườn cảnh bắt đầu thâm nhập vào Nhật từ Trung Quốc. Thoạt tiên,
như các tài liệu cổ ghi lại, đá vẫn chỉ là đá, cây chỉ là cây, về sau cái thú
chơi vay mượn của Trung Quốc này được Nhật hóa dần dần và ngày càng
đượm màu sắc dân tộc.
Đến thế kỷ XIV-XV, khi đời sống tinh thần của xã hội Nhật chịu ảnh
hưởng sâu sắc của đạo Thiền - Phật, thì nghệ thuật hòa phối những vật liệu
bình thường trong không gian thu nhỏ để tạo nên cảm giác của cái tổng thể
thiên nhiên rộng lớn đã đạt đến đỉnh cao hoàn thiện.