Thời gian là cái bất khả chia cắt: giữa ngày hôm qua và ngày hôm nay
không có bức tường kín nào ngăn cách được. Quá khứ chẳng qua chỉ là một
bộ phận của cái nhất thể vô cùng, vô tận và vô thức, bao gồm cả hiện tại và
tương lai. Ý nghĩa khách quan của quá khứ phụ thuộc vào quá trình biến
tương lai thành hiện tại, biến hiện tại thành quá khứ. Trong nghệ thuật, cái
hôm nay được tái tạo lại cũng theo đúng những quy tắc như thế của tâm lí
sáng tác, nghĩa là nó được tái hiện như một hồi ức.
Lẽ nào nghệ thuật theo cái nghĩa ta vốn hiểu không phải là một sự hồi
tưởng hay sao?
Cái hào phóng của buổi tối
Màn đêm đã buông xuống từ lâu trên Kamakura. Chỉ còn thấp thoáng
đây đó vài ánh đèn mờ.
- Tối nay chúng ta sẽ đến thăm ngôi chùa Zuisenzi, và theo tục lệ, sẽ dự
bữa cơm chay tại đó, dĩ nhiên là nếu các món ăn chay tịnh nhà chùa không
làm Ngài mất cảm giác ngon miệng, - Kawabata nhắc tôi, với nụ cười hiền
hậu trên môi.
- Tôi lấy làm vinh hạnh được làm Naritake của Ngài! - Tôi đáp ngay
bằng một câu thành ngữ ám chỉ một nhân vật trong văn học dân gian, nổi
tiếng về tính phàm ăn và cái tài làm người khác cũng thấy ngon miệng.
Naritake lúc nào cũng thấy đói và có thể ăn ngấu nghiến ngon lành không
biết no bất kể thứ gì, đến nỗi nhìn anh ta ăn người khác đâm cũng thèm ăn,
nên thường được một người mắc bệnh khảnh ăn cho đi theo dự các bữa
tiệc. Đó là một nhân vật phàm ăn quái dị trong văn học.
- Tôi khâm phục sự am hiểu truyện dân gian và óc hài hước của Ngài,
nhưng chắc Ngài cũng biết rằng, trước Đức Phật thật, người ta không thắp
hương giả.