Thời gian lặng lẽ trôi qua. Xung quanh im ắng kỳ lạ. Thảng hoặc mới
nghe thấy tiếng chuông chùa hay tiếng khánh từ xa vẳng lại.
Chúng tôi ngồi với nhau mà không có chủ đề định trước, cũng chẳng có
thể tài nhất định. Đó là giờ phút của suy tư, lắng sâu vào tâm tưởng, giờ
phút của những câu nói ngắn gọn. Đó là cuộc trò chuyện tâm tình trong im
lặng, không cử chỉ điệu bộ. Cuộc trò chuyện bằng cây bút.
"Người Nhật - Bernard Rudovski viết trong cuốn "Thế giới của Kimono"
- đưa ngôn ngữ của họ lên đến mức trừu tượng nghệ thuật. Vì thế họ không
chịu nổi cái tính quá cẩn thận của người ngoại quốc cứ bắt họ phải giải
thích tỉ mỉ cặn kẽ mọi thứ. Họ không cho là trọng cái việc ý nghĩa có được
nói hết hoặc lời nói có được dịch đủ hay không. Cái tế nhị trong nghi thức
đối với họ còn quan trọng hơn cái chính xác trong lối đặt câu hay văn
phạm. Cái lễ phép trong lời ăn tiếng nói được họ đánh giá cao hơn cả cái dễ
hiểu. Bởi thế không có gì ngạc nhiên rằng, cách nói chuyện tốt nhất đối với
họ là im lặng".
Trí tưởng tượng phải biết đoán nốt những gì chưa nói hết, phải cùng
tham gia vào quá trình sáng tạo... Tư tưởng này chính là cơ sở của mĩ học
Thiền luận, là nguyên lí triết học và vũ trụ quan của nó.
Cái vĩnh hằng của vũ trụ được nhận thức thông qua tính biến dị vô cùng
vô tận và qua những biến đổi của nó. Chính vì thế mới có những dị bản của
thứ "mật tự" này là những cách nói ẩn, nói bóng gió, ước lệ, khi mà nhiều
cái không được nói ra hoặc nói không hết.
Phải chăng loại bút họa Nhật mang trong nó những yếu tố ngôn ngữ trừu
tượng mà hàng chục thế kỷ sau các nhà theo chủ nghĩa hiện đại ngày nay
mới tìm thấy được?
Những hình tượng khởi thủy