- Phải. Và Ngài có quyền trả lời tôi bằng câu thơ khác: "Hãy nhìn bằng
cả hai mắt, trong sự im lặng kia nỗi buồn sẽ chẳng còn đâu!"
Rồi cũng như lần trước, ông lại kéo tờ giấy, đề mấy câu thơ bằng thứ chữ
to hơn.
Tôi theo dõi nhịp đưa ngọn bút của Kawabata mà không khỏi thấy thán
phục. Nhìn ông đang để hết tâm trí vào ngọn bút để thảo đại tự mà cảm
thấy không phải dòng mực, mà là hơi thở từ trái tim người nghệ sĩ đang
theo cán bút thoát ra đầu ngọn bút mà hiện thành chữ trên giấy.
Đường nét trong hội họa và bút họa Nhật quả là đa dạng vô cùng. Lúc thì
rắn rỏi, dứt khoát, sắc cạnh, gẫy khúc, lúc lại mềm mại, tròn trịa uốn lượn
uyển chuyển. Đó là thứ đường nét có nhịp điệu, và nhịp điệu trong bút họa
Nhật cũng là nhịp điệu của cuộc sống vậy!
Kawabata đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật bút họa và được công nhận
là bậc thầy của nghệ thuật này. Những bút họa của ông được đánh giá
ngang những tác phẩm xuất sắc nhất của hội họa
Sau khi đề xong mấy câu thơ, Kawabata vẫn ngồi nguyên ở tư thế cũ.
Chiếc bút vẫn cầm tay, ngọn bút lúc nào cũng hướng ra phía trước như bất
động trong không gian. Ông ngồi như thế một lát, rồi lại cúi xuống tiếp tục
đề vào chỗ giấy còn trống tên họ của khách và ngày gặp gỡ: 13 tháng
Giêng năm 1972, và tít phía dưới, bên góc trái, ông ghi tên họ của mình:
KAWABATA YASUNARI. Viết xong ông đặt bút, nghĩ ngợi giây lát, rồi
đang ở tư thế ngồi trên hai chân đan vào nhau, ông đứng dậy dễ dàng một
cách kì lạ, tiến đến chiếc bàn viết có bốn chân chạm rồng, mở chiếc hộp và
lấy ra cái triện ngọc riêng của ông, chấm nó vào hộp son, rồi theo tục lệ,
đóng vào tờ giấy cạnh chỗ tên ông để chứng nhận bản quyền của bút họa.
Tác phẩm bút họa, hay còn gọi là kakemono, mà nhà nghệ sĩ vừa sáng
tác do cảm hứng của buổi chuyện trò mang lại, thế là đã có thể đưa tặng
khách. Kawabata đứng nghiêng, đầu cúi, hai tay cung kính nâng cuộn giấy
giơ cao về phía tôi: