- Xin mạo muội kính tặng Ngài tác phẩm hèn mọn của kẻ ngu tử này.
Tập quán của người Nhật khi nhận quà cũng phải đáp lại bằng thái độ
tôn kính như thế. Sự kính trọng lẫn nhau trong trường hợp này quả là một
nghi thức vàng không gì thay thế được.
- Xin đa tạ Ngài về tác phẩm kakemono tuyệt vời mà tôi sẽ mang theo về
xứ sở và sẽ nâng niu gìn giữ như biểu tượng của niềm tin vào trí anh minh
và cái thiện tâm của con người. Bút tự của Ngài đây nói lên tình yêu sâu
sắc của Ngài đối với cuộc sống cùng những biểu hiện thiện mĩ của nó.
Vậy là tôi được biết thêm một khía cạnh nữa trong thiên tài Kawabata -
đó là tài viết chữ khoái hoạt phi thường của ông.
... Cuộc tiếp xúc với Kawabata, cuộc "bút đàm" thầm lặng với ông còn
giúp tôi biết thêm được nhiều hơn là một cuộc mạn đàm về văn học hay
một lần đọc sách.
Kawabata cho rằng mục đích của nhà nghệ sĩ không phải ở chỗ tìm cách
làm cho mọi người kinh ngạc sửng sốt bằng cái li kì quái dị, mà ở chỗ biết
dùng chỉ vài phương tiện ít ỏi mà nói lên được nhiều nhất, biết dùng ngôn
từ và màu sắc để truyền đạt các cảm xúc và kinh nghiệm nhìn đời của
mình. Đối với ông, vấn đề đơn giản trong sáng tác nghệ thuật, bất cứ là
nghệ thuật gì, lại chính là vấn đề phức tạp nhất. Cũng như Goethe có nói,
không có gì khó bằng hiểu được sự vật đúng như bản thân nó là như thế, ở
cái dạng chân của nó.
Từ lâu người ta đã nhận thấy rằng, sự cởi mở trong tâm hồn, sự cảm thụ
được rõ ràng và trực tiếp cái đẹp nhiều khi có được chính là trong lúc ta
đọc các tác phẩm văn học hay tiếp xúc với những mẫu mực nghệ thuật chân
chính. Đọc tác phẩm của Kawabata cũng có cảm giác như vậy. Có thể đó
còn là vì trong các tác phẩm của ông, lí trí không bao giờ lấn át tình cảm.
Chân lý ngoài ngôn từ