không đầy đủ, chỉ gồm bảy mươi truyện ngắn). Truyện trong lòng bàn tay
được dịch giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Kawabata,
nhất là tiến trình sáng tạo của ông.
Để bạn đọc dễ tiếp cận hơn về tác phẩm này, chúng tôi giới thiệu những
hình ảnh trung tâm và các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm trên góc độ thi
pháp học. Trong tác phẩm, hình ảnh trung tâm là người lữ khách như kẻ
hành hương thân phận, kiếm tìm cái đẹp và hình ảnh người nữ là hiện thân
cho cái đẹp mà người lữ khách muôn đời theo dấu.
1. Người lữ khách:
Kawabata đã được nhà văn Mishima Yukio phong tặng danh hiệu
"Người lữ hành vĩnh cửu" (Eien no tabibito - Vinh viễn lữ nhân). Trong
suốt cuộc đời mình, Kawabata là người ra đi để kiếm tìm cái đẹp trong
thiên nhiên và con người Nhật Bản. Những khoảnh khắc, những lát cắt của
đời sống trên con đường du hành thực tế và du hành tâm thức đã hình thành
nên truyện trong lòng bàn tay. Từ các đoản thiên, Kawabata triển khai
thành tiểu thuyết. Và hình ảnh người lữ khách luôn xuất hiện trong tác
phẩm của Kawabata để chụp lại, để ghi lại những khoảnh khắc vô thường
của cuộc đời này chăng?
Trong “truyện trong lòng bàn tay”, hình ảnh người lữ khách là hình ảnh
bao trùm, xuất hiện ở hầu hết các truyện. Lưu lãng trên con đường hành
hương thân phận, người lữ khách có thể kiếm tìm cái đẹp thể hiện nữ tính
vĩnh cửu trong Địa tạng vương Bồ Tát Oshin, hay kiếm tìm sự tha thứ trong
cuộc hành hương tâm hồn về một vùng kỷ niệm xa xưa nào đó như trong
Hiện hữu thần linh.
Người lữ khách đôi khi cũng hóa thân thành nhân vật “tôi” hiếu kỳ, quan
sát phong tục các nơi du quán như Lời nguyện cầu của xử nữ, Đôi mắt của
mẹ, hay để quan sát những gương mặt của con người như trong truyện
Trang điểm.