Tiếp nhận cả hai nền văn hóa Đông - Tây (Kawabata đã từng học khoa
văn học Anh trước khi chuyển sang học văn học Nhật), cộng với những tố
chất thiên bẩm của một nhà văn, Kawabata trở thành một trong những bậc
thầy về miêu tả cảnh vật và con người. Cảnh vật trong tác phẩm của ông
thường chứa đựng nhiều ý tưởng sâu xa, độc đáo và cũng rất chân thực.
Biệt tài của Kawabata là giúp người đọc hình dung rõ ràng được phong
cảnh như nó đang hiển hiện ngay trước mắt.
“Dựa lưng vào tường đá, một con bé chừng mười hai, mười ba tuổi đang
đứng đan, tách biệt khỏi những đứa khác. Phía dưới chiếc “quần miền núi”
rộng thùng thình bằng vải thô, anh thấy chân nó đi guốc, không có tất, da
chân đỏ tím và nứt nẻ vì lạnh. Cạnh nó, ngồi ngoan ngoãn trên đống củi là
một bé gái khoảng hai tuổi đang mắm môi mắm lợi đưa hai cánh tay bé xíu
ra căng mớ len xám xỉn, sợi len như có màu tươi hơn và ấm áp hơn ở quãng
giữa cánh tay của đứa nhỏ và bàn tay của đứa lớn.”
Đó là những hình ảnh của Xứ tuyết sinh động, đầy trải nghiệm mà không
một trí tưởng tượng đơn thuần nào có thể viết ra. Còn đây là phong cảnh
của một vùng cũng có suối nước nóng trong Thượng Đế hiện hữu
“Khi màn đêm buông xuống, một ngôi sao lẻ loi tỏa sáng như ngọn lửa ga
trên vai núi, khiến anh giật mình. Anh chưa bao giờ thấy một ngôi sao lớn
và gần như thế. Lóa mắt bởi ánh sáng của vì sao, cảm thấy lạnh, anh lại
quay xuống con đường rải cuội trắng giống như một chú cáo đang chạy.
Không gian tĩnh lặng đến nỗi dẫu chỉ một chiếc lá rụng cũng gây xao
động.”
Cả con đường nữa cũng rất ấn tượng ở bán đảo Izu: “Một bên
được kẻ bởi hàng rào trắng, con đường ngoằn ngoèo chạy xuống từ cửa
hầm như một tia chớp.”
Ngôn ngữ trong tác phẩm của Kawabata được giới phê bình đánh giá là
cô đọng, hàm súc và rất trong sáng. Ắt hẳn nhờ thứ ngôn ngữ ấy mà tác giả
có được một lối viết nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn, một lối viết gần gũi với
tinh thần văn chương cổ Nhật Bản.