được giáo dục trong một trường học Phật Giáo, rất khác với ý niệm về sự
chết của Tây Phương. “Trong những người đã từng suy nghĩ về hiện hữu,
có mấy ai là đã không nghĩ đến sự tự sát?”
Theo tôi chính vì sự hiểu biết đó mà ông bạn Nhất Hưu
định tự sát. Tôi nói “ông bạn” là vì ngay cả trẻ con cũng đều biết đến Nhất
Hưu Thiền Sư như một con người thật hoan hỷ và bởi vì những dật thoại về
hành trạng kỳ lạ không cùng của ngài đã truyền đến nay rất nhiều. Người ta
thường kể rằng trẻ con đã leo lên gối ngài để vuốt râu, sờ mặt ngài, rằng
chim rừng đã đến ăn trên tay ngài. Từ những sự việc này ta có thể thấy rằng
ngài đã đạt đến chỗ vô tâm hành xả tuyệt đối, rằng ngài là một vị Thiền Sư
dễ mến, dễ làm bạn. Thật ra đó là một vị Thiền Sư thuộc hạng giới luật
nghiêm chỉnh và tâm linh sâu sắc nhất. Truyền rằng ngài là con của Thiên
Hoàng, vào chùa năm lên sáu và chứng tỏ rất sớm là một thiên tài thi phú.
Trong thời gian còn trẻ ngài từng bị giao động mạnh vì những nghi vấn sâu
xa về sự sống và về tôn giáo “ Nếu có Trời, thì để cho ngài kéo tôi lại. Còn
nếu không có Trời thì cứ để tôi gieo mình xuống hồ và trở thành thức ăn
cho cá”. Người trai trẻ kia đã tìm cách gieo mình xuống hồ sau khi lưu lại
những giòng chữ đó, nhưng đã không chết vì có người bắt lại kịp. Vào một
dịp khác, một số bạn đồng tu của ngài ở chùa Đại Đức bị kết tội vì có một
vị sư trong chùa tự tử. Ngài về chùa với “gánh nặng trên vai”, tìm cách
tuyệt thực đến chết. Ngài để lại tập thơ nhan đề là “Cuồng Vân tập” và sau
này đã dùng danh từ Cuồng Vân làm bút hiệu. Trong tập thơ này và ở
những tập thơ kế tiếp, có những bài thơ hay không tiền khoáng hậu, không
những trong lĩnh vực thi văn hán tự (Kanji) mà cả trong lĩnh vực thi văn
Thiền của suốt thời Trung Cổ Nhật Bản. Lại có những bài thơ khêu gợi
nhục cảm, những bài thơ về bí mật phòng loan khiến ta phải vô cùng kinh
ngạc. Ngài đã tìm cách tự giải phóng khỏi những giáo điều và giới luật của
Thiền Tông thời đó bằng cách ăn cá, uống rượu và đi lại với nữ nhân. Ngài
chống lại với những hình thức giáo chế có sẵn để đi tìm trong Thiền sự tái
sinh của tinh hoa sự sống và xác định lại ý nghĩa của hiện hữu con người,