Khi Komako hát xong, ý nghĩ của anh mới lại được tự do. “Cô yêu ta.
Người phụ nữ này phải lòng ta”. Nhưng nghĩ vậy, anh thấy ngượng ngùng.
Komako đã ngước mắt lên nhìn bầu trời trong trẻo ở phía trên tuyết
trắng. “Khi thời tiết thế này, tiếng đàn nghe khác hẳn”. Độ âm vang phong
phú, sức hòa âm mạnh mẽ, quả thật đúng như lời cô nói. Và còn nhiều cái
đặc biệt nữa, bởi khung cảnh, trong sự cô đơn thân mật này, xa những nhốn
nháo của thành phố, xa những xảo thuật của sân khấu, không có những bức
tường của nhà hát, không có công chúng, ở giữa lòng buổi sáng mùa đông
quang đãng này, ở giữa sự trong suốt như pha lê mà ở đó, chất pha lê của
âm nhạc hình như tung tiếng hát rung cảm và tinh khiết của nó đến tận
những đỉnh núi đầy tuyết ở tít xa, tận đường chân trời. Tự mình tập đàn hát
ở vùng núi hẻo lánh này, phải chăng Komako đã được thấm đẫm những
nguồn thần diệu, những sức mạnh huyền bí và những đức hạnh của thiên
nhiên ở đây mà có lẽ cô không biết? Đó là thiên nhiên hùng vĩ và hoang dã
của vùng cao núi non và thung lũng. Hay là ngay trong sự cô đơn, cô cũng
tìm được sức mạnh chiến thắng của ý chí ghê gớm trong cô, nó giúp cô chế
ngự được cả những khó khăn của bản thân? Vì cho dù có được học chút ít
kiến thức sơ đẳng nhưng chỉ tập theo sách mà chơi được những bản nhạc
khó, lại chịu luyện đàn đến mức thuộc lòng cả bài, thì rõ ràng đó là một
chiến thắng lớn lao của ý chí.
Dù sao, cô sống như hiện giờ thì công sức của cô cũng là uổng phí. Nghị
lực của cô cũng bỏ đi. Cố gắng của cô cũng vô ích.
Shimamura nghĩ thế, nhưng từ đáy lòng, từ tận cùng của sự buồn rầu
này, anh nghe từ một tiếng gọi dài lặng lẽ đòi hỏi cảm tình của anh. Tuy
nhiên, lối sống của cô và cả con người cô nữa, nhờ tiếng đàn samisen nên
không kém phần thánh thiện và có phẩm cách vời vợi.
Mẫn cảm với xúc động âm nhạc và không biết gì về những tinh tế của kĩ
thuật thuần túy, có lẽ vì thế Shimamura là thính giả lý tưởng đối với
Komako.