Tuy thế chàng cảm thấy tim nhói đau và với một niềm khao khát dữ dội,
chàng cố gắng vẽ lại trong trí khuôn mặt người thiếu nữ.
Chàng chỉ gặp mặt nàng có hai lần.
Để nhấn mạnh vào vai trò của nàng, Chikako đã để nàng sửa soạn trà
trong buổi trà đạo ở đền Engakuji. Cung cách của nàng hôm ấy thật giản dị
và lịch sự, ấn tượng đó sẽ còn mãi linh động - đôi bờ vai và cánh tay áo
kimono dài, cả mái tóc nữa, tất cả như lung linh trong ánh sáng xuyên qua
từ khung cửa căng giây. Bóng lá cây hắt lên nền giấy, chiếc khăn bàn màu
đỏ sáng, chiếc khăn choàng màu hồng bằng nhiễu nàng mang dưới tay khi
nàng rảo bước qua sân đền về phía túp lều dùng cho các buổi trà đạo, chiếc
khăn choàng với ngàn cánh hạc trắng - tất cả những hình ảnh đó trôi dạt
vào tâm trí chàng với một vẻ trong sáng.
Lần thứ hai, nàng đã đến đây và chính Chikako pha trà. Đến ngày hôm
sau, chàng đã cảm thấy hương thơm của nàng như còn vương vất đâu đây,
và ngay cả bây giờ chàng cũng có thể hình dung ra dải lưng với những đóa
ngũ sắc xứ Siberie song khuôn mặt của nàng vuột khỏi trí nhớ chàng.
Chàng không thể hình dung ra cả khuôn mặt của cha mẹ chàng, những
người đã khuất ba bốn năm về trước. Mỗi lần muốn nhớ ra khuôn mặt của
cha mẹ, chàng phải nhìn lại hình chụp của hai người. Có lẽ mỗi ngày người
ta gặp một trở ngại hơn trong việc vẽ lại trong trí hình ảnh của những người
thân đã từng sống gần gũi với mình. Có lẽ, người ta sẽ gợi lại hoài niệm
một cách dễ dàng và đầy đủ hơn, khi những người đó xấu xí.
Đôi mắt và hai gò má của Yukiko thuộc loại hoài niệm trừu tượng, như
ấn tượng về ánh sáng; còn hoài niệm về cái bớt trên ngực Chikako lại trừu
tượng như một con cóc.
Dù bóng tối bây giờ đã tràn ngập nơi hàng hiên, Kikuji cũng có thể nhận
ra là Chikako mặc một chiếc áo lót bằng nhiễu trắng bên dưới chiếc áo
kimono. Dù cho bây giờ có đang là ban ngày, chàng cũng không thể nào