Otoko tuy bận rộn như Keiko đã cho hay, vẫn có thể dành mươi mười
lăm phút ra ga tiễn ông. Nhưng nàng đã không làm. Cũng như hôm qua
trước mặt mọi người, nàng đã không nhắc được chuyện cũ, nhưng rõ ràng
là có luồng điện giữa ông với nàng. Bữa ăn nguội hôm nay cũng cùng một
ý nghĩa...
Tầu sắp chuyển bánh, ông vỗ nhẹ vào cửa kính. Sợ Keiko không nghe
thấy, ông hạ kính xuống vài phân. Ông nói với cô gái:
“Cảm ơn em lần nữa. Có gia đình ở đấy, chắc em thường đi Tokyo phải
không? Vậy thì bao giờ có dịp, em ghé thăm ta nhé. Em tìm nhà ta chắc
cũng dễ thôi. Kamakura là tỉnh nhỏ, ra khỏi ga, em chỉ cần hỏi đường là tới.
À mà em cho ta xem tranh của em nhé. Những tấm tranh mà cô Ueno gọi là
tranh điên ấy.”
“Ôi, cô em làm em ngượng quá.”
Ánh mắt cô gái thoáng vẻ khác thường.
Oki nói:
“Nhưng cô Ueno có muốn vẽ điên như em, chắc gì đã vẽ được, phải
không?”
Tầu ngừng không lâu, và câu chuyện hai người cũng phải ngắn gọn.
*
Oki đã viết nhiều truyện, khai triển cái đặc biệt cái bất thường, nhưng
cho đến bây giờ, ông chưa sáng tác những tác phẩm gọi là “trừu tượng”.
Chỉ vì một số từ ông dùng khác với ngôn ngữ hàng ngày mà người ta gọi
mấy tác phẩm của ông là “ấn tượng” hay “trừu tượng”. Thủa trẻ, Oki đã để
tâm chế ngự xu hướng văn học gọi là trừu tượng hay ấn tượng này trong
văn ông. Chẳng qua là tại ông thích thơ ấn tượng Pháp, thơ Shin-Kokin-
Shu, thơ hài cú, và ông đã tập dùng những từ ấn tượng hay trừu tượng để
diễn tả chuyện cụ thể hay hiện thực.