hai đứa con đi học những trường đắt tiền. Không biết Fumiko có quên được
mối tình ngang trái của một cô gái nhỏ với chồng mình, nguồn gốc của tất
cả phúc lợi ấy? Nàng có tự thuyết phục được rằng tiền bạc này đơn giản là
lợi tức bình thường của chồng? Và sau cùng, mối tình thê thảm của Otoko
và Oki chấm dứt đã lâu trong quá khứ, nàng có còn thấy nó thê thảm nữa
không?
Oki không có gì than phiền hoàn cảnh mới sung túc và thành công,
nhưng đôi khi ông suy nghĩ. Otoko người mẫu cho tác phẩm ông đã chẳng
được chung hưởng chút gì. Nàng không trách ông một lời và mẹ nàng cũng
vậy.
Khác với họa sĩ hay điêu khắc gia sản xuất ra những chân dung hiện
thực, Oki với tư cách nhà văn đã dùng chữ nghĩa đi thẳng vào tư tưởng và
cảm nghĩ của Otoko để thay đổi chân dung nàng theo ý mình, cũng như để
hư cấu và lý tưởng hóa nhân vật.
Vậy mà cô gái trong truyện vẫn giống Otoko. Chan hòa cái đam mê trẻ
trung của mình vào tác phẩm, ông không bận tâm về những phiền toái khó
khăn có thể xảy ra cho người đàn bà trẻ chưa chồng. Có lẽ cái đam mê này
quyến rũ độc giả, nhưng cũng vì vậy mà lỡ làng những cơ hội nhân duyên
về sau của nàng.
Tác phẩm đã đem lại tiền tài danh vọng cho Oki. Fumiko sau cùng như
quên chuyện hờn ghen, và vết thương trong lòng nàng kể như khép miệng.
Chuyện nàng sảy thai cũng không nặng bằng chuyện Otoko đẻ non. Dù sao
thì Fumiko vẫn là vợ. Sau khi tĩnh dưỡng bình phục, nàng lại có bầu và
sanh hạ được bé gái, mẹ tròn con vuông. Năm tháng trôi qua, chỉ có cô gái
mười sáu trong truyện là vẫn nguyên vẹn như xưa. Oki vì một câu nệ tầm
thường của đời sống vợ chồng mà không mô tả kỹ càng sự ghen tuông dữ
dội của vợ, có làm cho tác phẩm kém hay. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà
truyện dễ đọc và nhân vật nữ hoàn toàn dễ thương.
Ngay cả bây giờ, đã hai mươi năm rồi, người ta vẫn kể Cô gái mười
sáu là tác phẩm hay nhất của ông. Oki với tư cách nhà văn, không thích