Nàng lại đưa mắt từ cây đèn sang những đóa hoa lần nữa. Rồi bất giác
nhớ đến lũ dế mà nàng giam trong chiếc hũ Tamba (
) cổ. Nàng đã bắt
đầu nuôi dế ngay sau khi lần đầu thấy những cây hoa tím trên cây phong
già. Dăm năm về trước, nàng đến thăm nhà cô bạn học và đã nghe thấy ở
đấy lũ dế rúc. Người bạn gái tặng nàng mấy con dế - mọi sự cũng bắt đầu
từ đó.
- Tiếc là phải giam chúng trong cái hũ tối tăm, - lúc ấy Chieko buồn rầu.
- Nhưng thế còn tốt hơn việc bắt chúng chẳng bao lâu phải chết trong
lồng, - cô bạn bác lại.
Chieko biết có những ngôi chùa người ta chuyên nuôi dế rồi bán ấu trùng
của chúng. Thì ra, ở Nhật không ít người thích chơi dế.
Khi lũ dế của nàng sinh sôi nảy nở, phải cần đến cái hũ thứ hai. Những
con dế vừa ra đời khoảng mồng một tháng bảy, thì từ giữa tháng tám đã bắt
đầu rúc.
Chúng sinh ra, véo von rúc, sinh sôi nẩy nở rồi chết trong cùng một cái
hũ chật chội, tối tăm. Điều đó cho phép bảo tồn nòi giống. Chứ ở trong
lồng thì kiếp sống ngắn ngủi chỉ một thế hệ đã dành sẵn cho chúng. Mà
suốt đời ở trong hũ thì với chúng đấy là biểu hiện của cả thế giới, cả vũ
trụ...
Thời xa xưa bên Trung Quốc, câu chuyện “Cả thế gian trong hũ” rất nổi
tiếng. Chieko biết nội dung truyện ấy: những tòa lâu đài vàng và những
ngọn tháp ngọc bích mọc lên trong lòng một cái hũ diệu kỳ, nó đầy những
rượu quý, những cao lương mỹ vị. Cái hũ là hiện thân của một cõi thế hoàn
toàn khác đầy quyến rũ, siêu thoát khỏi kiếp sống phù du... Một trong vô
vàn câu chuyện về những vị tiên ẩn dật...
Lẽ tự nhiên, lũ dế sa vào hũ không vì ác cảm với thế giới này và có lẽ
thậm chí cũng không đặt thành điều xem chúng đang ở đâu. Chúng chỉ đơn
giản sinh tồn, mà không màng tới cuộc đời nào khác.