phụ nữ thật đang dập dềnh trước mắt, và khuôn mặt đó đang bị cuốn theo
dòng thác chứa đầy những phong cảnh âm u quái đản đang chảy xiết "
Gương là một trong những "dụng cụ" Kawabata dùng để phân ảnh, ghép
ảnh và bội ảnh.
Nhưng mặt gương luôn luôn phản chiếu rõ quá, thật thà và thô sơ quá.
Mặt gương cho ta những bức ảnh chụp của thợ, không dùng được trong văn
chương. Nhà văn bèn tạo đài gương riêng cho mình bằng khung kính trên
nền tối của trời đêm: Trong toa tàu, gương đêm chiếu vào khuôn mặt nữ
đầu tiên: Yôko. Và từ nàng, Kawabata tạo ra thế giới huyền ảo: ánh lập lòe
của những ngọn đèn xa trên núi và ánh sáng chập chờn của toa tàu chiếu
vào phong cảnh và hành khách, phản hồi trên mặt kính, tạo thành một vũ
trụ siêu hình ma quái.
Hầu như tất cả những hình ảnh trong Xứ tuyết, bằng cách này hay cách
khác đều được chiếu theo thủ pháp gương như thế, kể cả những chỗ nhà
văn không trực tiếp dùng đến gương nữa, nhưng vẫn có ánh sáng phản hồi:
Yôko, qua khung kính của toa tàu, hiện ra như khúc nhạc dạo đầu, như sự
hiện diện của Thúy Vân dự báo và làm trội thêm nét đẹp "Kiều càng sắc
sảo mặn mà". Yôko là bóng, là âm thanh, Yôko dự báo Komako. Sự xuất
hiện của Yôko làm lộ chất thi nhân trong Shimamura: với độ nhạy cảm bất
thường, chàng có thể nắm bắt những ảnh thật mà thiên nhiên và con người
cung cấp cho chàng để ảo hóa chúng thành thơ. Trong suốt 250 trang
truyện là những bài thơ theo thể liên hoàn nối tiếp nhau tuôn theo dòng bút.
Nhờ đài gương làm trung gian, Shimamura có thể điềm nhiên ngắm
người đẹp mà không sợ bị ai bắt gặp. Mà cả khung kính, lẫn nền đen của
màn đêm, đều như đồng loã với chàng, chúng thay nhau phản chiếu khuôn
mặt người con gái ngồi hơi xế trước mặt. Shimamura đặc biệt chú ý đến
thanh âm lạ lùng thoát ra trong tiếng người con gái, sự phát âm yêu kiều
quyến rũ một cách lạ kỳ, dạo đầu cho tiếng đàn shamisen của Komako.
Yôko là những đam mê thầm kín, mơ hồ, chưa tỏ. Yôko chỉ là nốt nhạc
đệm cho một truyện tình có âm hưởng Thúy Kiều - Thúc Sinh, qua ba