ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP TRUYỆN TRONG
LÒNG BÀN TAY CỦA YASUNARI KAWABATA
HOÀNG LONG
Yasunari Kawabata (1899-1972), văn hào Nhật Bản đạt giải Nobel văn
chương năm 1968, được bạn đoc Việt Nam quen thuộc với các kiệt tác Xứ
tuyết, Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi, Cố đô... Qua các trang văn lung
linh diễm ảo thấm đượm tinh thần Nhật Bản, Kawabata tuyên xưng linh
hồn dân tộc mình. Viện Hàn lâm Thụy Điển khi quyết định trao giải thưởng
Nobel văn chương cho Kawabata đã nhận xét “Ông là người tôn vinh vẻ
đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và
trong định mệnh con người”. Điều này thể hiện tuy bàng bạc nhưng nhất
quán trong văn nghiệp của Kawabata.
Cuộc đời của Kawabata đi qua một thời kì biến động của đất nước Nhật
Bản trong guồng máy của hai cuộc thế chiến. Ám ảnh về sự mong manh,
vụn vỡ của con người trong cuộc hành hương thân phận không ngưng nghỉ,
đi vào tác phẩm của Kawabata bằng khuynh hướng sáng tác độc đáo và văn
phong tuyệt đẹp. Hơi văn thanh thoát bay như gió nhưng tuyệt diễm riêng
mình trong cõi hắt hiu.
Mishika Yukio đã phong tặng cho Kawabata danh hiệu “Người lữ hành
vĩnh cửu” (Eien no tabibito) như minh chứng cho sự tìm kiếm không mệt
mỏi cái đẹp “mỹ chi tồn tại dữ phát kiến” (Binosonzai to hakken) và cứu
vớt cái đẹp khỏi trầm luân.
Dù cuộc hành trình văn chương và thân phận dở dang ở tuổi bảy mươi ba
bởi cái chết tự sát bằng hơi gas, nhưng tác phẩm của Kawabata thiên thu
tồn tại như tiếng hát bay trên thân phận con người.