“Tuyết Quốc” của tôi, một tỉnh ở miền Bắc nước Nhật, có gió buốt từ
Siberie thổi qua Nhật Bản Hải. Người sống suốt đời trong Xứ Tuyết và
dưới mắt người, dưới đôi mắt “mạt kỳ” của ngài, “xứ tuyết” lại còn đẹp
hơn nữa khi ngài đã đạt ngộ, già yếu, và đến gần giờ viên tịch.
Tôi có viết một tùy bút nhan đề “con mắt của mạt kỳ“. Nhan đề này tôi
lấy trong di bút của nhà văn viết truyện ngắn Giới Xuyên Long Chi Giới
(Akutagawa Ryunosuke)
trước khi ông tự tử. Đó là câu đã giáng vào óc
tôi một đòn rất nặng.
Giới Xuyên đã nói rằng dường như ông ta đã mất dần cái “động vật lực”
mà người ta thường gọi là “sức sống”. Rồi ông tiếp tục: “Tôi đang sống
trong thế giới của thần kinh bịnh hoạn, sáng toát và lạnh như băng...
Tôi không biết đến khi nào thì tôi sẽ quyết định tự vận. Nhưng đối với tôi
thì thiên nhiên bây giờ lại đẹp hơn bất cứ bao giờ. Tôi chắc rằng các người
sẽ cười tôi mâu thuẫn, vì ở đây tôi vừa yêu mến thiên nhiên vừa nghĩ tới sự
tư vận.
Nhưng thiên nhiên sở dĩ trở nên xinh đẹp là vì thiên nhiên đến với tôi
trong khi hai mắt tôi có thể hiện hữu ngay được ở mạt kỳ của chúng.”
Giới Xuyên tự sát vào năm 1927, tuổi đúng ba mươi lăm.
Trong tùy bút “con mắt của mạt kỳ” tôi đã viêt: “ Dù ta có thể bị tách rời
ra khỏi cuộc đời đến mức nào đi nữa thì sự tự sát cũng không thể được gọi
là một hình thái của giác ngộ. Một con người tự sát sẽ rất xa các bực thánh,
cho dù hành động của người có đáng mến có phục bao nhiêu đi nữa”.
Tôi không thán phục, cũng không có cảm tình với sự tự sát.
Tôi có một người bạn khác, một học sĩ thuộc loại tiền phong, chết khi
còn trẻ. Anh này cũng thế. Anh ta nghĩ đến sự tự sát trong nhiều năm, và
cũng vì anh ấy một phần mà tôi đã viết thiên tùy bút trên. Tôi đã viết về
anh: “Dường như có rất nhiều lần chàng nói rằng Không có nghệ thuật nào
cao hơn nghệ thuật chết, rằng chết tức là sống vậy.” Tuy nhiên tôi có thể
nói rằng ý niệm về sự chết của chàng, vốn sinh trong một ngôi chùa và