Shimamura đoán đây là một người phục vụ về làng trước để chuẩn bị cho
mùa trượt tuyết. Lối vào bên cạnh là một quán cà phê
: một ngôi nhà cũ,
mái đã trĩu xuống, với một cửa sổ sơn đã bong vì mưa nắng.
Phần lớn lợp bằng gỗ, có chẹn đá, các mái nhà trông như những dãy
giống nhau, các hòn đá song song với con đường: những hòn đá to tròn và
nhẵn, trắng xóa những tuyết ở phía bóng râm và sáng loáng ở phía có nắng,
đen như mực, chúng bóng loáng không hẳn vì ướt, mà chủ yếu vì chúng
được bào nhẵn bởi băng giá, gió mưa.
Những mái chìa kéo dài gần tới mặt đất biểu thị tâm hồn các xứ sở
phương Bắc có lẽ còn hơn cả những hòn đá trên mái.
Bọn trẻ chơi đùa ở rãnh nước, chúng đập vỡ băng ở đó ném ra đường, có
lẽ chúng thích thú vì các mảnh băng vụn tung tóe lên lấp lánh trong nắng.
Shimamura đứng ở chỗ có nắng ấm nhìn chúng chơi một lúc lâu, anh không
ngờ băng lại dày đến thế.
Dựa lưng vào tường đá, một con bé chừng mười hai, mười ba tuổi đứng
đan, tách biệt khỏi những đứa khác. Phía dưới chiếc “quần miền núi” rộng
thùng thình bằng vải thô, anh thấy chân nó đi guốc, không có tất, da chân
nó đỏ tím và nứt nẻ vì lạnh. Cạnh nó, ngồi ngoan ngoãn trên đống củi là
một bé gái khoảng hai tuổi đang mắm môi, mắm lợi đưa hai cánh tay bé xíu
ra căng mớ len xám xỉn, sợi len như có màu tươi hơn và ấm hơn ở quãng
giữa cánh tay của đứa nhỏ và bàn tay của đứa lớn.
Dưới đó bảy, tám nhà anh nghe thấy tiếng bào của bác thợ mộc đang làm
việc ở xưởng làm các thanh trượt tuyết. Bên kia đường có dám sáu cô
geisha đang tán gẫu ở tít sâu dưới mái chìa. “Chắc thế nào cũng có Komako
trong đám kia”, Shimamura nghĩ. Anh biết tên người đàn bà trẻ sáng nay,
do một bà phục vụ ở quán trọ nói.
Đúng là Komako có ở đó thật. Cô cũng nhận ra anh từ xa: mặt cô lập tức
nghiêm lại, khác hẳn các cô khác. “Cô sắp đỏ bừng mặt đây”, Shimamura
tự nhủ trong khi chân vẫn bước, “chắc chắn mặt cô sắp đỏ kinh khủng lắm,