CHUYỆN CŨ
CHUYỆN CŨ
Nguyễn Ngọc Ngạn
Nguyễn Ngọc Ngạn
www.dtv-ebook.com
www.dtv-ebook.com
Đời người, ai cũng có những kỷ niệm, đau thương hay hạnh phúc. Kỷ
niệm đôi khi chỉ thoáng qua, mờ nhạt như áng mây bay ngang bầu trời, để
lại chút hình ảnh bâng khuâng. Nhưng cũng có khi hết sức sâu đậm, đến nỗi
có thể coi là một biến cố, khả dĩ tạo thành khúc rẽ quan trọng cho cuộc đời.
Đó là trường hợp của tôi với câu chuyện xảy ra hơn 20 năm về trước mà giờ
này ngồi ghi lại, tôi vẫn thấy hiển hiện như mới hôm qua.
Ngày ấy, miền Nam vừa đổi chủ được 3 năm, tình hình chính trị còn cực
kỳ khắt khe. Đã thế, chính sách áp dụng lại không đồng nhất, mỗi phường
mỗi tổ là một lãnh chúa, phát huy sáng kiến mà bức chế nhân dân. Tôi ở trại
cải tạo, cầm tờ giấy tha vào giữa năm 78, về trình diện Sở Giáo Dục Thành
Phố cho đúng thủ tục, dù biết trước sẽ không được thu nhận trở lại nghề cũ.
Không có nghề nghiệp biên chế, tôi chỉ được tạm trú 3 tháng tại Sài Gòn để
thu xếp đi vùng kinh tế mới. Thời gian này, miền Nam đang lên cơn sốt về
phong trào vượt biên tìm tự do. Những người ở vào hoàn cảnh của tôi, bị
công an khu vực theo dõi và hăm dọa thường xuyên thì lại càng nôn nóng
kiếm đường bỏ trốn. Những người bạn tù chúng tôi ngày ngày đôn đáo gặp
nhau, đề tài chính đem ra bàn bạc chỉ xoay quanh một chuyện duy nhất là
vượt biên.
Thời gian trôi qúa nhanh, trong nháy mắt đã hết hạn tạm trú, tôi trở
thành kẻ sống lậu không hộ khẩu tại thành phố. Giữa lúc lao đao tuyệt
vọng, không biết ngày nào bất ngờ bị bắt lại, thì một hôm em trai tôi giới
thiệu cho tôi một đầu cầu qúy giá: đó là ông Ân, một người đàn ông trí
thức, tuổi vừa 50, tính tình hiền hoà và đứng đắn. Ông là nhân viên lâu đời
của cơ quan viện trợ Hoa Kỳ trước 75, đồng thời góp phần chuyển âm Anh-
Pháp cho hãng phim Cosunam ở Sài Gòn. Vì làm ăn chung với em tôi từ
sau 75, nên ông có lòng tốt rủ em tôi cùng đi với ông trong chuyến vượt
biển bán chính thức vốn dành riêng cho người Hoa đang rầm rộ đăng ký lúc