Binh Thủ Đức. Rồi những lần từ thành phố xuống miền Tây chờ tôi ở hậu
cứ tiểu đoàn. Khi sinh con đầu lòng, tôi từ đơn vị hành quân, không kịp
thay quân phục, vội vã đón xe về thăm ở bảo sanh viện Đức Chính trên
đường Cao Thắng. Nhớ hơn nữa là những lần vợ tôi gánh quả nặng trĩu đi
tiếp tế cho tôi trong trại cải tạo, băng ngang 17 cây số đường rừng từ thị xã
Phước Bình vào Bù Gia Mập. Tất cả đều đã qua đi, chỉ còn lại mặt nước
mênh mông xanh thẳm trước mặt, từng cuốn mất bao nhiêu xác người đồng
hương trên hành trình tìm tự do!
Vợ tôi mất đi ở tuổi 26, sau những tháng ngày vất vả vì chồng. Lấy tôi
khi tôi đã vào quân đội, thường xuyên xa nhà, vợ tôi cũng giống như bao
nhiêu người đàn bà khác trong thời khói lửa, chẳng mấy khi được gần
chồng. Khi tôi được biệt phái về lại Bộ Giáo Dục, dạy học tại Sài Gòn, đã
tưởng vợ chồng có thể sống đời dân sự yên ổn lâu dài, nào ngờ chỉ hơn một
năm sau thì mất nước, bắt đầu cuộc sống mới lao đao gấp bội. Đoạn đường
trầm luân ấy, có ngờ đâu rút cuộc lại kết thúc bi thảm bằng cái chết trên đại
dương cùng với đứa con đầu lòng hơn 4 tuổi!
Tôi tin chắc cái chết của vợ tôi đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của tôi.
Nếu nói theo niềm tin thiêng liêng, thì chính vợ tôi đã cứu tôi vào phút chót,
trước khi đắm tầu. Bằng chứng là hơn 100 người đàn ông ngồi chung với
tôi dưới hầm tầu đều chết cả vì ngộp nước. Em tôi -- người giới thiệu tôi
cho ông Ân -- nếu đi cùng tôi chuyến ấy, chắc chắn cũng đã bỏ xác trên đại
dương. Nhờ bị bỏ lại, nửa năm sau, em tôi cùng gia đình vượt biển thành
công và gặp lại tôi tại Vancouver, Canada vào giữa năm 80. Bà Ân và hai
đứa con nhỏ được sóng đánh vào bờ thoát chết, đi định cư ở Texas, tôi vẫn
liên lạc cho đến khi trả xong 20 lượng vàng chồng bà cho tôi vay.
Biến cố hãi hùng của chuyến tầu định mệnh làm tôi càng vững tin rằng
đời người có sự sắp đặt của định mệnh, hay nói theo đức tin Công giáo, thì
đó là sự an bài của Thiên Chúa. Còn đó rồi mất đó! Kiếp người mong manh
như chiếc bách giữa dòng, cho nên các cụ ngày xưa thường ví là cuộc phù