- Dù đi đâu , làm gì , cũng phải hết sức cẩn thận . Em cố gắng giữ gìn ,
mai kia thế nào mình cũng có ngày gặp lại nhau !
Duyên gật đầu , đội nón lên và đẩy cửa bước ra ngoài .
Những ngày cuối năm 1929 , Tỉnh Đảng Bộ Quốc Dân Đảng Bắc Giang
phải đối phó với một cơn khủng hoảng nặng nề . Khởi đầu là do xưởng chế
bom tại nhà đồng chí Lương Văn Trạm ở làng Mỹ Điền bị phát nổ , chẳng
những gây thiệt hại cho nhân mạng cho ba đảng viên đang cặm cụi tai chỗ ,
mà ngay sau đó , hàng loạt người quen vẫn thường lui tới nhà đồng chí
Trạm đều bị theo dõi và sa lưới mật thám . Bắc Giang , cách Hà Nội hơn 50
cây số , là quê hương của Nguyễn Khắc Nhu , của chị em cô Bắc cô Giang ,
cho nên khí thế cách mạng lúc nào cũng chan hòa trong quần chúng . Đó là
một trong những cái nôi chủ yếu đang vội vã chuẩn bị sản xuất vũ khí và in
ấn truyền đơn cho ngày tổng khởi nghĩa gần kề .
Khi màng lưới mật thám cùng với hương lý địa phương rầm rộ bủa vây
Bắc Giang thì Xừ Nhu đang ở Sơn Tây cùng với Nguyễn Thái Học . Cô
Giang đang làm công tác binh vận trên Yên Bái . Còn Phó Đức Chính thì
đang có mặt ở nhà Nguyễn Tiến , tức Lý Cả , bên làng Võng La , huyện
Thanh Thủy , tỉnh Phú Thọ , chờ gặp Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc
Nhu để thảo kế hoạch cụ thể cho ngày trọng đại sắp tới . Phú Thọ cách Sơn
Tây chỉ có con sông Đà . Làng Võng La nằm sát bờ sông , đại đa số dân
chúng và ngay cả các hương chức trong làng đều là cơ sở nuôi dưỡng lực
lượng chống Pháp , triệt để ủng hộ Quốc Dân Đảng . Vì vậy , Nguyễn Thái
Học mới hẹn với Phó Đức Chính và Nguyễn Khắc Nhu họp mặt tại vùng an
toàn này .
Hôm ấy , từ Sơn Tây , Xừ Nhu và Nguyễn Thái Học đón chuyến đò
ngang qua sông . Họ đi chung một con thuyền , nhưng làm như không biết
nhau để tránh chuyện bất trắc . Nguyễn Thái Học mặc quần áo nâu , đầu đội
nón lá , đi chân đất , gánh hai thúng củ nâu xuống thuyền . Từ sau vụ Bazin
, bị hồi đồng đề hình tuyên án khiếm diện , Nguyễn Thái Học bôn ba nay