RƯỢU TRẮNG
Nguyễn Ngọc Tư
B
é sinh ra từ một cái trứng xỉn mèm. Mẹ Bé khi đó tròn mười
sáu tuổi, một bữa đi đám nhóm họ ở bên sông, cô dâu mời uống
rượu nếp than. Rượu này không qua chưng cất, cơm nếp ủ men ba
mươi sáu ngày thì tiết ra thứ nước ngọt ngào thơm phức, uống vào
nghe ngây lịm từng khúc ruột. Mẹ Bé tưởng tượng đem rượu rưới
lên đá bào cũng giống xi- rô nên uống no nê. Rượu ngấm rất đằm.
Ra về tới giữa sông thì cô gái không cầm nổi cây dầm, lăn ra ngủ, kệ
xuồng trôi đâu thì trôi. Sáng sau tỉnh dậy thấy xuồng mắc vô bụi lá,
thấy trong người vẫn còn ấm mềm, bồi hồi rời rã, tưởng mình vẫn
còn say. Bữa đó là mùng năm tháng giêng. Mùng năm tháng năm
bụng chống áo đội lên. Hai bảy tháng mười thì mẹ đẻ Bé.
Truyện cổ từng ghi lại nhiều chuyện cực kỳ bâng quơ tương tự,
như bà cụ nọ ướm vào vết chân bên đường và sinh ra Thánh Gióng,
chị kia uống nước trong cái gáo dừa và sinh ra Sọ Dừa... Bà ngoại Bé
nhớ ra những câu chuyện đó để gượng cười khi ôm đứa trẻ ngo
ngoe trong tay. Thời may hồi nhỏ Bé cũng tin cổ tích nên nghĩ nó là
con của cái - gì - đó có tên Rượu Nếp Than.
Bữa nào bà ngoại kháp rượu thì Bé ngủ rất ngon, đánh thức rồi
vẫn thòm thèm díu mắt lại ngủ tiếp. Một sáng đi vô căn buồng kín
mít thông ra cái chái nhỏ vừa là nơi ngủ vừa là nơi nấu rượu của bà
ngoại Bé, chị trưởng trạm y tế kêu trời đất ơi, hơi rượu nồng nặc vầy
không chừng con nhỏ xỉn. Bà ngoại thôi mơ mộng cháu mình có gốc
gác thần tiên, chuyển võng Bé ra nhà ăn. Nhưng trong ly sữa bò hay
chén nước cơm pha đường, trong những cái bánh kẹp hay cục kẹo...
mà Bé nhấm nháp mỗi ngày đều bảng lảng mùi rượu nếp. Và đêm
đêm khi rúc vào nách bà ngoại tìm hơi ấm, mùi hương mê dụ vẫn
lẩn khuất ở đó, có khi còn nồng gắt hơn. Đó là lúc bà say.