Trở về với bếp lò, ông hơi sững người. Hay là ông lại đãng trí
như khi chạm hỏng hai lần hai mảnh bạc? Lạ nhỉ? Ông cúi sát xuống
cửa lò. Không, than trong lò vẫn hồng, thổi hơi vào, than còn lép bép
nổ. Vậy mà, tại làm sao nhỉ, năm đồng bạc trắng vẫn không tan
chảy, vẫn còn nguyên hình và chỉ xỉn đi? chẳng lẽ là chưa đủ sức
nóng? Ông lão thêm than, cúi xuống phù phù thổi. Than rực đỏ.
Nhưng lần này thì ông lão hốt hoảng thật sự. Nhấc cái âu sứ ra,
để cạnh mình, chờ cho cái âu sứ nguội đi, ông đổ mấy đồng bạc
trắng ra lòng bàn tay, rồi ngồi lặng. Hỏng rồi! Xanh - căng này
không phải là bạc. Nó là đồng mạ bạc. Nó giả làm bạc. Chao ôi! Vậy
mà cái hạnh phúc tưởng đã cầm chắc trong tay lại hóa ra tuột mất.
Cô bé cầm mấy đồng bạc sợ rơi, sợ mất cắp, sợ người thợ bạc không
nhận. Cô có biết đâu cái cơ sự này? Hóa ra bây giờ cái gì cũng mong
manh cả. Và nếu đúng như cô chị cả nói: Bây giờ cái gì chưa thành
cũng lo không thành cả thì đời đáng sợ quá! Hóa ra những điều kiện
an toàn đã trở nên bấp bênh và con người phải sống trong lo âu,
phòng ngừa, thấp thỏm liên miên ư? con người không được cả tin,
không được thơ ngây nữa, vì như vậy là sẽ bị lừa dối. Sẽ bị phản trắc
như cô gái đã bị lừa, mẹ cô và hai chị cô đã bị lừa. Cả ông lão đã nửa
thế kỷ hành nghề hóa ra cũng chỉ là đứa con nít ngây dại. Ôi cái thói
đời điên đảo, lọc lừa. Vậy là nó vẫn còn lẩn quất quanh ta, nó chỉ
náu mình trốn tránh đôi khi thôi, mà ta lại ngỡ là nó đã bị diệt trừ
tận gốc.
Ngồi lặng lẽ trong đêm, ông lão chư buồn thấu gan ruột. Nhưng
lát sau, như rũ ra khỏi nỗi buồn, ông lại cúi xuống đốt lò, đặt âu. Lấy
mấy đồng bạc trắng dự trữ của mình ra, ông đặt vào âu, rồi vừa làm
công việc của người thợ bạc, ông vừa lẩm bẩm: “Lỗi tại ta! Lỗi tại ta.
Ta nhìn lá vối ra chè! Ta lầm lỗi, ta phải đền bù”.
Ông lão chư quyết đóng trọn vai vị ân nhân của cô gái Tày vùng
hạ huyện. Ông lão nhất quyết làm kẻ sửa chữa cái khiếm khuyết của
cuộc sống chưa hoàn hảo để đoạn đời tới của cô gái được suôn sẻ
mọi bề. Nghĩa là vẫn sẽ có cái đám cưới tưng bừng của cô gái, cũng