"Xăm cũng đã xin rồi, cầu nguyện cũng đã cầu nguyện rồi, thuốc cũng đã
cho uống rồi, vẫn không có hiệu quả, thì làm thế nào? Chỉ còn cách đi đến
nhà cụ Hồ Tiểu Tiên nhờ cụ bắt mạch cho xem sao". Nhưng bệnh thằng
Báu có lẽ nặng về ban đêm. Cứ đến sáng, mặt trời mọc là cơn sốt cũng lui,
hơi thở cũng bình thường: thực ra con bệnh nào thường chẳng thế!
Chị Tư là đàn bà quê mùa, không biết rằng chữ "nhưng" là đáng sợ
lắm. Bao nhiêu việc xấu nhờ nó mà trở thành tốt; trái lại bao nhiêu việc tốt
cũng vì nó mà không ra gì. Mùa hè đêm ngắn, tiếng hát Củng mũi đỏ dứt
chưa bao lâu, thì đằng đông đã rạng. Một lát, ánh sáng trắng như bạc đã rọi
qua khe cửa sổ.
Chị Tư Thiền chờ cho trời sáng; người khác thấy chóng, nhưng chị thì
thấy sao mà lâu thế! Thời gian thằng Báu thở ra thở vào được một cái, chị
thấy dài hơn một năm. Bây giờ thì trời đã sáng hẳn rồi. Ánh mặt trời át hẳn
ánh đèn, trông thấy rõ hai cánh mũi đứa bé cứ phập phồng theo hơi thở.
Chị Tư biết là không hay, khẽ kêu một tiếng: "Chao ôi!" Chị nghĩ
trong bụng: "Làm thế nào bây giờ? Chỉ còn cách là đến nhờ cụ Hà xem
mạch cho nữa thôi!". Chị là người quê mùa, nhưng tính cũng cương quyết.
Chị đứng dậy, lấy trong hòm gỗ ra mười ba đồng hào và một trăm tám
mươi đồng trinh, dành dụm bao nhiêu lâu nay, bỏ cả vào túi áo, khóa cửa
lại, ẵm con đi đến nhà cụ Hà.
Còn sớm lắm mà nhà cụ Hà đã có bốn con bệnh đến ngồi chực đấy rồi.
Chị Tư lấy ra bốn hào mua một chiếc thẻ. Thẻ thứ năm đến lượt thằng Báu.
Cụ Hà đưa hai ngón tay ra bắt mạch, móng tay dài có đến bốn tấc. Chị lấy
làm lạ lắm, nghĩ bụng: "Thằng Báu chắc không mệnh hệ gì!" Nhưng chị
vẫn không khỏi nóng ruột, không đừng được, phải hỏi cho rõ. Chị rụt rè
nói:
- Thưa cụ, cháu mắc bệnh gì ạ?