Anh cứ lắc đầu. Những nếp dăn khắc sâu trên mặt anh tuyệt nhiên
không động đậy. Trông anh phảng phất như một pho tượng đá. Có lẽ anh
chỉ cảm thấy khổ nhưng không nói ra được hết, ngồi trầm ngâm một lúc,
rồi cầm lấy dọc tẩu, lặng lẽ hút thuốc.
Mẹ tôi hỏi chuyện anh, biết nhà anh bận lắm việc, ngày mai phải về,
lại chưa ăn cơm trưa, liền bảo anh xuống bếp rang cơm ăn.
Anh đi ra. Mẹ tôi và tôi đều than thở, buồn cho cảnh nhà anh: con
đông, mất mùa, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào, đầy
đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi! Mẹ tôi bàn với tôi:
- Cái gì không cần chở đi thì cho anh ta hết. Cứ để cho tùy ý chọn, lấy
cái nào thì lấy.
Đến chiều anh chọn xong mấy thứ: một đôi bàn dài, bốn chiếc ghế
dựa, một bộ tam sự và một cái cân. Anh lại xin tất cả các đống tro (ở quê
tôi người ta nấu bằng rơm, rạ, tro có thể dùng bón đất cát), chờ khi nào
chúng tôi lên đường là đem thuyền đến chở.
Đêm đến chúng tôi cũng nói vài ba câu chuyện phiếm, toàn là những
chuyện chẳng quan trọng gì. Sáng hôm sau, anh đem Thủy Sinh về.
Chín ngày sau, chúng tôi lên đường. Sáng sớm, Nhuận Thổ đã đến rồi.
Thủy Sinh không đi theo. Anh chỉ đem theo một đứa cháu gái năm tuổi để
trông thuyền. Chúng tôi bận rộn suốt ngày, không có thì giờ trò chuyện.
Khách khứa cũng nhiều. Kẻ đến đưa chân, người đến lấy đồ đạc. Có kẻ vừa
đưa chân vừa lấy đồ đạc. Gần tối, chúng tôi xuống thuyền thì tất cả đồ đạc
trong ngôi nhà cũ, hư hỏng, to nhỏ, xấu tốt đều mang đi sạch trơn như quét.
Thuyền chúng tôi thẳng tiến. Trong hoàng hôn, những dãy núi xanh
hai bên bờ sông đen sẫm lại, nối tiếp nhau chạy lùi về phía sau lái.