- Bạch Huệ đang đợi anh chị Ở nhà. Cô nàng rất tiếc không thể đích thân
xuống đón khách quý được.
Mạnh Giao trả lời, "Anh tới đón là tốt quá rồi." Như Thủy thuê phu mang
hành lý lên, và đã thuê ba chiếc kiệu. Mạnh Giao hỏi:
- Chúng ta không đi bộ lên được ư?
- Khá xa đấy - khoảng hai dặm.
Mạnh Giao quay lại Mẫu Đơn. "Em nghĩ sao?" - Trời đẹp quá. Tại sao
chúng ta không đi bộ?
Như Thủy đề nghị, "Bây giờ thế này. Chúng ta hãy dùng kiệu, và chúng ta
có thể bước xuống đi bộ bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Tôi đã mang theo
hai cây gậy để chống đây." Mẫu Đơn vui vẻ trả lời, "Như vậy thú vị lắm."
Rồi nàng nắm lấy một cây gậy sần sùi, thô sơ, dường như được chặt ra từ
khu rừng ở đây. Nàng vui sướng chớp mắt ngó quanh, khuôn mặt rạng rỡ.
Như Thủy nhận xét:
- Chị vui vẻ như vậy thực là tốt.
Mấy người phu kiệu trẻ tranh nhau để được khiêng nàng. Họ la lên, "Mời
cô lại đây!" hoặc "Hãy dùng kiệu của tôi!" Một chiếc kiệu miền núi rất là
đơn sơ, chỉ gồm có một cái ghế đan bằng tre có một mảnh ván làm chỗ để
chân, và được khiêng bằng hai chiếc sào lớn buộc vào thành ghế. Mẫu Đơn
bước lên một chiếc kiệu; rồi chiếc kiệu được khiêng lên và bắt đầu lên núi.
Nàng trông thấy chiếc nón đen của Như Thủy nhấp nhô đằng trước trong
khi kiệu của Mạnh Giao đi phía sau.
Được nửa đường, nàng trông thấy cái đuôi rực rỡ của một con chim trĩ chạy
lẩn trốn vào rừng. Nàng quay lại và chỉ cho Mạnh Giao. Mấy người phu
kiệu vội la lên:
- Cô ơi, xin ngồi yên!
Mấy người phu khác cũng kêu lên như vậy. Đây là một việc rất quan trọng
đối với họ, khi bị tất cả sức nặng đè mạnh lên vai.
- Tôi xin lỗi... Tại sao chúng ta không xuống kiệu cho họ khỏe đôi chút. Tại
sao chúng ta phải khiêng như thế này khi mà chúng ta thích đi bộ?
Mạnh Giao và Như Thủy cũng cảm thấy như vậy và đồng ý. Ba chiếc kiệu
dừng lại. Khi nàng bước xuống, một phu kiệu nói: