Không, còn lâu tôi mới quên rằng chúng tôi đang ở Vienne. Tôi đang nghĩ
đến Wanda và đến quyết định của tôi về việc viết một quyển tiểu thuyết về
cô ta. Nhưng tôi có một vấn đề nan giải. Làm sao có thể diễn tả được cả
cuộc đời tình ái mà không có một kinh nghiệm nào khác ngoài cái nụ hôn
mà ký ức mơ hồ còn đọng lại nơi tôi cho đến bây giờ? Nhưng để trấn an
chính mình, tôi nghĩ đến Emily Bronté. Ẩn mình trong một dòng tu kín,
Emily Bronté đã có thể viết "Les Hauts de Hurlevent".
Chúng tôi về đến Kleeblattgasse. Chúng tôi muốn chào từ biệt bà Wagner,
bố tôi đập cửa phòng bà nhiều phút nhưng không có ai trả lời. Một lát sau,
chúng tôi rời khỏi nhà trọ với cái va li đầy áo quần.
Khách sạn Graben toạ lạc tại một con đường yên tĩnh và sang trọng, rất gần
Herrengasse. Tiền sảnh hôi mùi bụi bặm, phòng tiếp tân, với những hộp thư
trống rỗng, những chiếc chìa khoá treo trên một tấm bảng, trông có vẻ buồn
bã như nét mặt của một người bị mất trí muốn tìm lại những kỷ niệm của
mình nhưng vô hiệu quả. Người gác cổng bỏ tờ báo xuống, nhìn chúng tôi
đến gần, rồi cầm xem tờ giấy mà bố tôi đưa cho ông ta. Trong lúc ông ta
đọc, tôi thấy bàn tay ông hơi run run.
- Ông có quốc tịch nào? – Ông ta hỏi.
- Hungari – bố tôi đáp.
- Năm 1912 tôi có ở tại Budapest – ông ta nói.
Ông ta đứng dậy và tìm chìa khóa một hồi lâu. Cầm chìa nơi tay, ông ta đi
ra và ra dấu cho chúng tôi đi theo.
Ông ta bảo:
- Người Pháp bảo các người đến đây…Các người sẽ ở lại đây lâu
không?
Bố tôi không trả lời.
Lên tới lâu ba, ông ta rẽ qua tay mặt và chúng tôi lặng lẽ bước theo ông ta.
Tấm thảm màu đỏ đã bạc màu làm êm chân đi. Cử chỉ của người gác cổng
để mở cửa phòng số 43 là cử chỉ của một người phục dịch nhưng giọng của
ông ta thì đầy khinh khi. Ông ta nói:
- Nếu các người thấy không đủ ấm, hãy nói với người Pháp cung cấp
than cho chúng tôi, chứ đừng chỉ cung cấp khách không mà thôi.