mong manh ấy là tượng trưng của tình yêu.
Ông Gindy it nói đến các bà vợ trứ danh của ông. Ông đã sống quá gẫn gũi
với họ trong nhiều năm dài, đến nỗi ông không thấy họ phi thường đến thế.
Tôi đã nói cho ông biết tôi đã có chồng và có một lần tôi đưa Georges đến
gặp ông. Tôi chờ đợi câu trả lời dứt khoát của nhà xuất bản.
- Tôi sẽ viết các quyển tiểu thuyết sau này của tôi bằng tiếng Pháp –
tôi nói đã nói như thế với ông Gindy và ông trả lời:
- Cô còn rất trẻ, chắc chắn cô sẽ thành công thật sự..
Ông không bao giờ biết chúng tôi đang chống chọi với những nỗi lo âu
nghiêm trọng.
Một hôm, tôi thấy bức tranh của ông biến mất. Ngày hôm ấy ông xanh xao
một cách dễ sợ, tôi không dám hỏi. Khi từ giã, ông nói với tôi:
- Tội nghiệp nhà văn trẻ…cô đang đợi ngày sinh một đứa con..
Chúng tôi siết chặt tay nhau thật lâu. Ông ta nhìn lên chỗ trống của bức
tranh trên tường.
Vận may đến với hình thức một bức thư ngắn gởi từ nước Bỉ. Người bạn
trung thành của chúng tôi đã không quên chúng tôi. Trong thư ông cho
chúng tôi biết ông gửi tiền đi đường đến cho chúng tôi và nói rằng những
bạn bè người Bỉ của ông đã cảm động cho số phận của chúng tôi, nên mời
chúng tôi đến ở trong một lâu đài. Người ta cũng dành cho Georges một
việc làm và đã sắm trước cho đứa bé nào nôi, nào tã lót…
Chỉ một lát là chúng tôi sắp xếp xong áo quần vào trong va li bằng cạc tông
cứng. Tôi trả lại chìa khoá phòng, nồng nhiệt cám ơn ông bà chủ nhà đã có
lòng tốt đối với chúng tôi. Khi sắp ra đi, tôi mới biết một chiếc xe cứu
thương vừa mới chở bà gác cổng vào một bệnh viện tâm thần.
- Hình như bà ta điên – những người ở tầng tám nói.
Tôi đau lòng. Tôi không biết có phải bà gác cổng tốt bụng đã phát điên vì
sự đời và lòng người ở chung quanh bà hay không. Nhưng tôi sẽ luôn luôn
giữ kỷ niệm khuôn mặt của bà những lời bà đã nói với tôi "Cô ơi, có một
phòng rất xinh ở trên tầng thứ tám…Phòng ấy đang được bỏ trống đấy".
Trên xe lửa, tôi nói với Georges:
- Con của em sẽ được chào đời một cách an toàn.