– Đủ rồi bác Kazangap ạ, ta leo lên đầu máy chờ xem trời đất thế nào
đã – Edigej vừa nói vừa đập đập hai cái bao tay cứng quèo vào nhau.
– Trời đất này chưa dịu đi đâu, dù sao công việc của ta vẫn là dọn
đường. Phải dùng xẻng vậy, chúng ta không có quyền bó tay.
– Chúng mình không phải là người ư?
– Nếu không phải là người, mà là chó sói và các giống vật khác, thì đã
chui vào hang cả rồi.
– À, đồ khốn kiếp! – Edigej nổi đoá – Anh cứ việc làm hùng hục để mà
chết ở đây! – Và Edigej đẩy mạnh vào gò má Kazangap.
Thế là hai bên túm lấy nhau vật lôn, làm rách cả môi nhau. May mà
anh thợ đốt lò kịp nhảy lại can ra đúng lúc.
Đó, Kazangap là người như thế đó. Bây giờ kiếm đâu ra những người
như vậy, bác đang chở người cuối cùng đến nghĩa địa để mai táng đây. Đặt
xuống huyệt, nói lời chia tay, thế rồi – Amen!
Nghĩ vậy, Edigej - Bão Tuyết thầm nhắc lại những câu kinh mà bác chỉ
còn nhớ mang máng, để xác định trong trí óc trình tự những ý tưởng hướng
tới thượng đế cao siêu và vô hình mới có khả năng dung hoà trong ý thức
con người sự đối chọi giữa khởi đầu và kết thúc, giữa cuộc sống và cái chết.
Hẳn vì thế mà người ta soạn ra những câu kinh, bởi vì không thể kêu thấu
tới thượng đế để hỏi, chẳng hạn tại sao ông lại sắp đặt cho người ta sinh ra
rồi chết đi? Từ thuở có thế gian này, người ta sống là để quy thuận, dù
không đồng ý. Và những câu kinh ấy không hề thay đổi từ đời xưa, chúng
được đọc lên để an ủi con người. Những lời cầu nguyện ấy được gọt dũa
qua hàng ngàn năm, là những lời cuối cùng mà người sống phải nói trước
người chết. Nghi thức nó thế.
Edigej còn nghĩ như vầy. Dù trên đời có hay hoàn toàn không có
thượng đế, song phần lớn người ta đều nhớ đến ông trời, đến thượng đế khi
thật cần thiết, thật khó khăn. Hẳn vì lẽ đó mà người ta bảo rằng người
không theo đạo sẽ chưa nhớ đến thượng đế, chừng nào đầu họ chưa bị đau.
Chẳng biết có phải thế không, nhưng dầu sao cũng nên biết các câu kinh,
các lời cầu nguyện.