toa. Họ trò chuyện đủ thứ và trả lời các câu hỏi của bọn trẻ. Edigej – Bão
Tuyết hài lòng về việc hai gia đình cùng đi với nhau, thời tiết tốt, bọn trẻ
vui thích, nhưng Edigej mừng hơn cả không phải cho bọn trẻ, mà cho vợ
chồng Abutalip. Vẻ mặt họ rạng rỡ, họ được giải thoát một thời gian khỏi
tâm trạng luôn luôn lo lắng và u uất, Edigej nghĩ thầm: có lẽ Abutalip sẽ
được phép sống ở miền Sarozek tuỳ theo khả năng mà anh ấy có. Ước sao
đúng như vậy.
Thật mát cả lòng khi nhìn Zaripa và Ukubala chuyện trò, tâm sự với
nhau về các thứ sinh hoạt thường ngày. Trông họ hạnh phúc lắm, phải như
vậy mới đúng, bởi lẽ con người đâu có cần gì nhiều… Edigej ước mong gia
đình Abutalip quên đi mọi điều phiền muộn, để họ có thể bám rễ chắc chắn
và thích nghi hoàn toàn với cuộc sống ở Boranly, nếu như không còn cách
lựa chọn nào khác. Edigej cũng lấy làm hài lòng vì có Abutalip ngồi song
vai bên cạnh, như thể Abutalip biết rằng có thể trông cậy ở Edigej và hai
người có thể hiểu nhau mà không cần thốt ra lời, không cần động chạm đến
những chuyện đau lòng chẳng đáng gợi ra đây. Edigej đánh giá cao trí thông
minh, tính nết điềm đạm của Abutalip, nhất là tình cảm gắn bó của Abutalip
với gia đình – chính vì gia đình mà Abutalip đã sống, đã không chịu đầu
hàng, đã tìm ra sức lực cho mình. Lắng nghe các ý kiến của Abutalip,
Edigej đi tới kết luận rằng điều tốt đẹp nhất mà một người có thể làm cho
những người khác, ấy là nuôi dạy các con mình thành những người xứng
đáng. Và không phải dựa vào sự giúp đỡ của ai khác, mà tự mình dành trọn
tâm sức vào việc ấy, hết ngày nọ sang ngày kia, tuần tự từng bước một, và
nếu có thể thì nên ở bên các con càng lâu càng tốt.
Thì đây, cái gã Shabitzhan đã được dạy dỗ đủ mọi nơi, từ bé đã học ở
các trường nội trú, lớn lên thì ở các trường đại học và các lớp bồi dưỡng
khác nhau. Đáng thương thay cho bác Kazangap dành dụm được chút gì
đều chu cấp cho đứa con trai, để nó được ở trên thành phố, để nó – cái
thằng Shabitzhan của bác ấy – khỏi phải sống khổ sở hơn những người
khác. Nhưng kết quả thì sao? Chuyện gì nó cũng biết, nhưng nó đúng là đồ
vô tích sự, không hơn không kém.