Thật là một đứa bẻm mép, vô tích sự. Thoạt nhìn, nó không đến nỗi
nào. Nó biết tất cả mọi chuyện, nó nghe cũng đủ thứ chuyện. Nó đã được
dạy dỗ ở các trường nội trú, các trường đại học, nhưng lại không nên người.
Nó thích khoe khoang, nhậu nhẹt, chuốc rượu thì chả ai bằng, nhưng chẳng
làm nên việc gì. Tóm lại, một cái thùng rỗng; trái ngược hẳn với Kazangap,
mặc dù nó có bằng nọ bằng kia. Không, con không giống bố, thằng con hư
hỏng. Nhưng mặc kệ, nó đã thế, còn biết làm sao bây giờ.
Có lần, nó kể bên Ấn Độ, người ta tin vào một giáo lý, cho rằng khi
một người chết đi, thì linh hồn người đó nhập vào một sinh vật nào đấy, một
sinh vật bất kỳ, có thể là một con kiến. Rằng mỗi người, từ kiếp trước đã
từng là một con chim, một con thú, thậm chí một loại sâu bọ nào đó. Vì thế,
giết bất cứ con vật nào, dù là một con rắn thường hay rắn độc cũng là có tội;
nếu gặp nó trên đường, ta phải cúi chào và nhường đường cho nó.
Đời thật lắm chuyện kỳ lạ. Ai biết chuyện đó có thực đến mức nào, thế
gian mênh mông, con người biết sao hết được mọi thứ. Vì thế, lúc định ném
đá giết con cáo, Edigej chợt nghĩ: nhỡ linh hồn Kazangap bấy giờ đã nhập
vào nó thì sao? Rất có thể, sau khi nhập vào con cáo, Kazangap đã đến chỗ
người bạn tốt nhất của mình; bởi vì sau khi bác ấy chết, ngôi nhà bằng đất
của bác trở nên trống trải, hiu quạnh, đầy buồn thảm… “Mình lẩm cẩm mất
rồi! – Edigej trách thầm và xấu hổ. – Sao lại nghĩ vớ vẩn như thế nhỉ? Mình
lú lẫn rồi chăng?”.
Bởi vậy, khi tiến từ từ về phía con cáo, Edigej nói với nó như thể nó
hiểu được tiếng người:
– Đi đi, đây không phải là chỗ của mày! Hãy ra thảo
nguyên. Nghe rõ chưa? Đừng đi về phía khu ga, ở đấy có lũ chó. Mày hãy
ra với thảo nguyên của mày.
Con cáo quay người bỏ đi. Nó ngoảnh lại hai lần, rồi biến mất trong
bóng đêm.
Lại một đoàn tàu nữa chạy vào ga. Đoàn tàu lịch kịch giảm dần tốc độ,
quyện theo một đám bụi mù trên các nóc toa. Khi nó dừng hẳn, từ trên đầu
máy vẫn đang hoạt động, người tài xế ló ra:
– Ây, Edigej - Bão Tuyết, asalam aleikum!
– Alekim – asalam!