VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC TRUNG HOA - Trang 108

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Vài nét sơ lược về sự Phát triển của Triết học Trung Hoa

KẾT

Tóm lại, trải hai ngàn rưỡi năm, triết học Trung Hoa mới đầu bồng bột phát
triển trong một thời kỳ quá độ (từ phong kiến bước sang quân chủ chuyên
chế), rồi tiến tới một thời kỳ quá độ khác (từ quân chủ chuyên chế sang dân
chủ).

Ta có thể phân biệt ba giai đoạn lớn:

1. Thời đại Tiên Tần. Nho giáo xuất hiện sớm nhất, có tính cách ôn hoà,
chiết trung; rồi tới hai triết thuyết cực đoạn: một của Mặc, cực hữu vi; một
của Lão, vô vi (nghĩa là phóng nhiệm, không làm gì ngược với thiên nhiên
và không can thiệp đến việc dân).

Nho chia làm hai: Mạnh chủ trương tính thiện và trọng dân quyền; Tuân
chủ trương tính ác và tôn quân quyền.

Mặc cũng chia làm hai: một chuyên về tôn giáo, một chuyên về tri thức
luận (Biệt Mặc) chống với phái Danh gia mà đại biểu là Công Tôn Long.

Lão giáo không tách ra nhiều phái mà càng tiến sâu vào thuyết vô vi đưa tới
tư tưởng hoài nghi yếm thế, triệt để tự do và bình đẳng của Trang Tử.

Đồng thời xuất hiện thêm hai phái nữa, một gồm những nhà chính trị
chuyên môn, gọi là Pháp gia, một phái chỉ bàn về âm dương, ngũ hành gọi
là Âm dương gia.

Cuối đời Chiến Quốc, Hàn Phi trong phái Pháp gia, mượn những tư tưởng
của Tuân, Mặc và Trang, lập ra một học thuyết tuy không có gì mới mẻ,
nhưng đã giúp Tần thống nhất được Trung Quốc.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.