Đầu đời Tống, các triết gia như Chu Đôn Di, Thiệu Ung chưa có khuynh
hướng rõ rệt, trừ Trương Tái có chủ trương duy khí, nhưng chủ trương ấy
đương thời không ảnh hưởng lớn. Tới hai anh em họ Trình mới manh nha
hai khuynh hướng: duy lý (Trình Y Xuyên) và duy tâm (Trình Minh Đạo).
Phái duy lý thịnh trước nhờ môn đồ của Trình Di, Chu Hi. Qua đời Minh,
phái duy tâm mới phát đạt đến cực độ nhờ Vương Dương Minh, người đã
phát huy cái học của Trình Hạo và Lục Cửu Uyên.
Cuối Thanh, Đạo học hoàn toàn suy vi, nhường chỗ cho một thứ tân Nho
pha tư tưởng Âu Tây: Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng; và người ta coi trọng
vấn đề chính trị, tìm một học thuyết có thể cứu quốc – và có lẽ cả nhân loại
nữa – như thời Tiên Tần.
Trên thế giới có ba hệ thống triết học: hệ thống Trung Hoa, hệ thống Ấn
Độ, hệ thống Âu Tây; trong khoảng hơn ngàn năm (từ Lục triều tới Minh),
hệ thống Trung Hoa đã lần lần dung hoà với hệ thống Ấn Độ; và hiện nay
nó muốn dung hoà với hệ thống Âu Tây nữa. Kết quả của lần trước là đưa
tới Đạo học; lần này kết quả sẽ ra sao, chúng ta còn phải đợi lâu mới biết
được.
Phùng Hữu Lan bảo giai đoạn thứ nhất là thời kỳ Tử học, giai đoạn sau là
thời kỳ Kinh học; điều đó đúng. Ông lại bảo triết học Trung Hoa luôn tiến
chứ không suy, vì trong thời kỳ Kinh học, các triết gia tuy không lập ra
được một phái nào mới, nhưng đã đi sâu thêm vào những vấn đề mà cổ
nhân nêu ra. Không ai chối cãi sự tiến bộ đó, nhưng ta phải nhận rằng trong
hai ngàn năm nay, cái rực rỡ muôn hình muôn sắc của triết học Trung Hoa
thời Tiên Tần, chưa thấy phát huy trở lại.
*
Đa số học giả đều nhận rằng triết học Trung Hoa có ba đặc điểm này, khác