2. Thời đại từ Hán tới Đường là giai đoạn thứ nhì. Phái Mặc tiêu trầm luôn
cùng với phái Danh gia. Phái Pháp gia, đóng xong vai trò chính trị rồi,
không còn giữ một địa vị gì trong triết học nữa. Rốt cuộc chỉ còn Nho, Lão,
Âm dương gia.
Về chính trị, Nho gia hợp với Pháp gia được trọng dụng hơn cả, nhờ công
của Đổng Trọng Thư đời Hán; về triết học, Nho pha với Lão và Âm dương
gia, khá thịnh trong đời Hán rồi lần lần suy.
Ở đầu đời Hán, Lão hợp với Âm dương gia, mất lần tính cách triết học,
thành một tôn giáo thiên về phép tu tiên và luyện đan, tức Đạo giáo. Nhưng
tới Lục triều, Lão, Trang lại thịnh lên gây được phong trào Huyền học, nhờ
Hướng Tú, Quách Tượng…
Đồng thời, Phật học từ Ấn Độ vào đã có cơ sở khá vững, bắt đầu dung hoà
Lão mà gây ảnh hưởng ở Trung Quốc.
Đời Đường là thời toàn thịnh của Phật giáo: nhiều tôn phái xuất hiện, tư
tưởng Phật học phong phú thêm, thay đổi một chút cho phù hợp với dân tộc
Trung Hoa hơn
.
Nho giáo vẫn giữ địa vị độc tôn ở triều đình và trong khoa cử, nhưng suốt
đời Lục triều và Đường, không có một triết gia nào sâu sắc. Chỉ có Hàn Dũ,
Lý Cao là mở đường cho phong trào Đạo học ở các đời sau.
3. Qua giai đoạn thứ ba, từ Tống đến Thanh, Nho phản động lại Huyền học
ở Lục triều và Phật học ở đời Đường, phát huy phong trào Đạo học, muốn
trở lại truyền thống Khổng, Mạnh; mà rốt cuộc lại rất gần Lão, Phật. Thời
trước là thời của tam giáo (Khổng, Lão, Phật) thay nhau chiếm ảnh hưởng,
thì thời này là thời tam giáo dung hoà với nhau.